Thứ 6, 26/04/2024 04:14:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:28, 14/02/2015 GMT+7

Chuyện về đàn “dê đi lạc”

Thứ 7, 14/02/2015 | 10:28:00 214 lượt xem
BP - Những ngày này, rất nhiều hoạt động thiện nguyện của các tầng lớp, tổ chức trong và ngoài nước cùng hướng về người nghèo, gia đình chính sách với mục đích chung tay giúp mọi nhà, mọi người đều được vui xuân đón tết. Đó là nghĩa cử cao đẹp, truyền thống lá lành đùm lá rách của những người con mang dòng máu Việt. Trong không khí chung rất đáng trân trọng, rất đáng tự hào ấy lại có những việc làm lạc nhịp “sớt cơm” người nghèo bị phanh phui trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc dư luận.

Đó là chuyện 12 con dê của người nghèo bỗng dưng “đi lạc” vào trang trại của ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa). Đây thực sự là câu chuyện bi hài “cười ra nước mắt”, là đề tài châm biếm sống động cho rất nhiều tờ báo và người ta nhất loạt gọi là chuyện “Dê đi lạc”. Sau khi câu chuyện lên báo và các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa vào cuộc, những tình tiết của vụ việc 12 con dê hỗ trợ người nghèo đi nhầm ngõ và những lời giải thích của ông bí thư huyện ủy cùng những người có liên quan lại càng khiến câu chuyện trở nên hài hước hơn. Người ta không biết vì sao những người thân của ông bí thư huyện ủy dù không phải hộ nghèo, cũng không có hộ khẩu tại xã lại được ký nhận cấp dê giống. Sau đó những con dê này lại có mặt tại trang trại của ông. Vậy mà khi báo chí đăng tin, ông bí thư huyện ủy mới ngớ người, cứ tưởng số dê này là của một dự án khác. Còn ông Chủ tịch UBND xã Thành Yên, nơi được hỗ trợ dê thì phân bua, đưa vào đó (trang trại của bí thư huyện ủy) để có điều kiện chăm sóc, vì trang trại đã có hơn 70 con dê rồi!

Chuyện 12 con dê “đi nhầm” vào trang trại Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, xét về giá trị vật chất là không lớn, nhưng đã tạo nên một hình ảnh rất xấu, làm méo mó chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Sự việc sai phạm đến đâu chắc chắn sẽ được tỉnh Thanh Hóa làm rõ bởi nó đã đụng đến một vấn đề hết sức nhạy cảm, nhất là ở vị thế của người đứng đầu một huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 14,61%. Từ câu chuyện này lại nhớ đến một số vụ việc ở nơi này nơi khác. Đó là chuyện có đến 7/10 con bò giống cấp cho hộ nghèo lại được cấp cho gia đình cán bộ ở một thôn của tỉnh Khánh Hòa mới xảy ra gần đây. Hay chuyện cán bộ chính sách ở xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam nhẫn tâm bớt xén mỗi tháng 90 ngàn đồng trong số 270 ngàn đồng Nhà nước hỗ trợ của một người khuyết tật, quanh năm chỉ ăn mì tôm và sống trong căn nhà sắp sập, không người chăm sóc...

Vì sao vẫn còn nhiều hộ mãi sống trong cảnh nghèo tới mức cơm không đủ ăn, con của họ không được học hành tới nơi tới chốn, bệnh tật không được chữa trị kịp thời? Ấy là bởi những cơ hội nhỏ mà xã hội đã chung tay dành cho họ lại bị “nhầm địa chỉ”. Những vụ việc nêu trên khiến người dân bất bình về nhân cách của một bộ phận cán bộ, công chức. Nay chỉ một gói mì, mai là một con bò hay một đàn dê, ngày kia sẽ là một công trình, một dự án. Những vụ việc ăn chặn người nghèo kiểu này nếu không được xử lý nghiêm minh sẽ khiến lòng dân mai một niềm tin.                 

Bảo Khanh

  • Từ khóa
108469

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu