Thứ 6, 19/04/2024 18:21:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:48, 24/07/2015 GMT+7

Chuyện về Cao Bá Quát

Thứ 6, 24/07/2015 | 08:48:00 2,036 lượt xem

BP - Cao Bá Quát tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên, sinh tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Cao Bá Quát thuở nhỏ đã tỏ ra thông minh, nhanh trí, can đảm, nổi tiếng thơ văn, nhưng tính vốn cương trực, không chịu cúi mình. Năm Tân Tỵ (1821), ông thi khảo hạch ở trường thi tỉnh Bắc Ninh lúc đó mới 13 tuổi, nhưng thi Hương (lần đầu) không đỗ. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, bị bộ Lễ kiếm cớ xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ cử nhân. Năm Nhâm Thìn (1832), Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Sau đó, ông vào kinh dự thi mấy lần nữa, nhưng lần nào cũng hỏng.

Năm 1841, đời vua Thiệu Trị, quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Việc bại lộ, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ, rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên. Suốt thời gian dài bị giam cầm, ông thường bị nhục hình tra tấn. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội “trảm quyết” xuống tội “giảo giam hậu”, tức được giam lại đợi lệnh.

Năm Giáp Dần 1854, nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân hết sức cực khổ; Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, Cao Bá Quát làm quốc sư, họp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây chống lại triều đình đương thời, mong giải quyết những áp bức, bất công mà ông đã chứng kiến trong cuộc đời. Nhưng cuộc khởi nghĩa bị thất bại và Cao Bá Quát tử trận lúc mới 46 tuổi.

Ngày nay, ở Bắc Ninh và các vùng lân cận vẫn còn lưu lại nhiều giai thoại về ông. Và giai thoại dưới đây là 1 ví dụ. Năm 12 tuổi, Cao Bá Quát cùng anh là Cao Bá Đạt dự kỳ thi khảo hạch. Hai anh em làm xong bài, thừa thì giờ rủ nhau ra sân đá cầu. Quan trường trông thấy hỏi: Hôm nay là ngày tranh khôi, đoạt giáp, ai cũng lo văn bài, sao các chú lại nô giỡn thế? Cao Bá Quát nhanh miệng thưa: Kỳ này gặp được đầu bài dễ, chúng tôi làm xong thừa thì giờ. Vì cửa trường chưa mở cho thí sinh ra nên xin đánh cầu cho vui, chứ không dám đùa nghịch đâu ạ! Quan trường thấy lạ, bèn hỏi thăm gia thế của anh em Quát rồi ra cho câu đối sau: Nhất bào song sinh, nan vi huynh, nan vi đệ? Nghĩa là: Một bọc sinh đôi, khó làm anh, khó làm em.

Câu đối nhằm chỉ Cao Bá Đạt và Cao Bá Quát là hai anh em sinh đôi, khó phân biệt được ai là anh, ai là em. Quát liền đối lại: Thiên tái nhất ngộ, hữu thị quân, hữu thị thần, nghĩa là: Nghìn năm một lần gặp, có vua ấy, có tôi ấy. Ý ca ngợi đất nước gặp được vua hiền, nên mới có tôi giỏi. Quan trường khen hay liền mở cửa trường thi cho hai cậu học trò giỏi về trước. Khoa ấy, hai anh em Quát đều đỗ. Ngày xướng danh, mọi người đều ngạc nhiên thấy cả hai đều đang tuổi trẻ con, đầu cạo trọc, hai bên còn để hai nhúm tóc hình trái đào.

Lời bàn:

Vào giữa thế kỷ XIX, nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giới địa chủ, sự tham nhũng của nhiều quan lại, chế độ tô thuế và lao dịch khắc nghiệt, cùng với nạn bão lụt, hạn hán, ôn dịch liên tiếp xảy ra. Và tất cả đã đẩy người dân lao động xuống tận đáy của sự khốn khó. Cuối cùng thì những nỗi hờn căm vì bị bóc lột, bị áp bức... biến thành những làn sóng đấu tranh quyết liệt của nhân dân lao động ở nhiều miền trên đất nước, chống lại chế độ thống trị của nhà Nguyễn. Theo sử cũ, chỉ tính riêng khoảng thời gian từ năm 1847 đến 1862, tức trước khi vua Tự Đức ký hòa ước nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ đã có hơn 40 cuộc nổi dậy, trong đó có cuộc khởi nghĩa Cao Bá Quát (1854-1856) ở Hà Tây là tiêu biểu nhất.

Phần thì phẫn chí, phần thì thương dân, dựa vào lòng người còn tưởng nhớ tới nhà Lê, ông suy tôn một người thuộc dòng dõi nhà Lê làm minh chủ, đó là Lê Duy Cự, còn tự mình lãnh chức Quốc sư. Như vậy, từ một trí thức xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, những cảnh đói rét, khổ cực ở khắp nơi hàng ngày cứ day dứt ông, làm cho ông phải luôn suy nghĩ mong tìm ra cách giải quyết. Và chính cái chế độ phong kiến hà khắc, vua quan ngày một tỏ ra bất tài và nguy cơ mất nước cho phương Tây đã khiến ông căm ghét triều đình nhà Nguyễn. Rồi từ chỗ phê phán và phản kháng, ông đã nổi dậy đánh đổ nó. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương và cái chết của Cao Bá Quát cũng đã gây được một tiếng vang lớn và cảnh tỉnh người đương thời.

N.D

  • Từ khóa
109687

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu