Thứ 5, 25/04/2024 16:38:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:28, 21/07/2017 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017)

Chuyện tình sắt son của vợ chồng bệnh binh

Thứ 6, 21/07/2017 | 07:28:00 3,299 lượt xem

BP - Kinh qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông Trương Văn Liên (1945) và bà Hồ Thị Sự (1950) ở ấp 9, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) đã có một tình yêu đẹp. Cũng chính được tôi luyện, thử thách qua sự ác liệt của chiến tranh mà họ không chỉ sắt son bên nhau trong sinh hoạt đời thường mà suốt hơn 22 năm bà bị bệnh và từ năm 2008 phải ở lại Bệnh viện đa khoa tỉnh để chạy thận, ông vẫn ân cần chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho bà. Tình yêu, sự tận tụy của ông dành cho bà khiến nhiều người cảm động, nể phục.

Có “hai tình yêu” khi giác ngộ cách mạng

Từ quê hương Điện Bàn (Quảng Nam), ông Trương Văn Liên vào Sài Gòn học tập khi tròn 18 tuổi. Nhưng trong khí thế sôi sục của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thời đó đã thôi thúc ông xếp bút nghiên tham gia cách mạng. Năm 1964, ông được điều về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 chiến đấu ở miền Đông Nam bộ. Là bộ đội chủ lực, ông chiến đấu ở nhiều mặt trận ác liệt thời bấy giờ như: Chơn Thành, Lai Khê, Bến Cát; chi viện cho các trận Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long...

“Ác liệt nhất là trận Bà Điểm (Hóc Môn, Sài Gòn). Ngồi trong hầm mà nước ngập tới ngực, trên đầu thì pháo, đạn nã liên hồi... Rồi có lần tham chiến, khi đang chia nhau một vắt cơm cùng đồng đội thì bị đạn vèo qua cắt ngang, hai đứa “hú hồn”, nhìn nhau cười...” - ông Liên hồi tưởng những kỷ niệm thời chiến tranh.

Ông Trương Văn Liên ân cần chăm sóc vợ mỗi ngày

Tuy phải gác lại việc học tập nhưng được tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Liên rất tự hào vì từ đây đã khắc sâu thêm tình yêu đất nước và đem đến cho ông một tình yêu đôi lứa thật đẹp. Trong nhiều lần chiến đấu ở Lộc Ninh, ông đã gặp đồng đội Hồ Thị Sự. Cảm mến nhau rồi tình yêu giữa họ đã nảy nở. Tình yêu ấy vượt lên chiến tranh, chết chóc, tạo nghị lực cho ông, bà. Họ động viên nhau chiến đấu, hướng đến ngày đất nước độc lập. Ông chia sẻ: “Ngày đó, bà ấy mới độ tuổi đôi mươi, khá dễ thương. Nhưng điểm tôi yêu bà ấy nhất chính là sự gan dạ và tấm lòng bao dung, thương người. Tính cách đó đến sau này bà ấy vẫn giữ được. Sau nhiều năm yêu nhau, năm 1973 chúng tôi được đơn vị tổ chức cưới. Sau đó, bà ấy được điều về làm Phó bí thư xã Lộc Thuận”.

Thống nhất đất nước, ông về Nhà in thuộc Cục Chính trị đóng tại Thị Nghè, quận 1, TP. Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ mới. “Giải phóng xong, đất nước hòa bình rồi mới biết mình còn sống nên mừng lắm! Tâm trạng ai khi đó cũng chỉ mong điều duy nhất là được về với gia đình, vợ con. Nhưng lúc ấy, lãnh đạo còn nhiều việc phải sắp xếp, đến năm 1977 tôi mới có thể ra quân” - ông Liên nói. 

22 năm sắc thuốc, chăm vợ bệnh

Xuất ngũ về Lộc Thuận (xã Lộc Khánh cũ) sinh sống cùng vợ con, ông Liên tham gia công tác ở địa phương trên nhiều lĩnh vực như: công an, chính quyền... Có thời gian ông được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã tới 2 nhiệm kỳ. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn khiến ông phải viết đơn xin nghỉ việc để tập trung làm kinh tế cùng vợ con. Bởi khi đó, vợ chồng ông sinh nhiều con (2 trai, 5 gái) nên một mình vợ ông cáng đáng không nổi, đời sống khá chật vật.

“Con người sống tốt với nhau cũng vì cái tình. Khi biết đặt nặng nghĩa vợ tình chồng thì vất vả bao nhiêu cũng vượt qua hết. Bệnh tật làm bà ấy đau đớn lắm rồi nên tôi không dám kêu ca khiến bà ấy buồn hơn. Tôi biết bà ấy đã nặng lắm, chẳng sống được bao lâu nữa nên càng nỗ lực để bà ấy được sống những ngày cuối đời thanh thản nhất”.

Ông Trương Văn Liên

Kinh tế dần vực dậy, bớt dần khó khăn thì bà đổ bệnh. Vậy là tài sản dành dụm được trước đây dốc hết vào thuốc thang, bồi bổ cho bà. Cũng vì bệnh tình của bà mà ông chẳng thể làm kinh tế được nữa. Có vài sào đất canh tác, ông phải sang nhượng khi bà đau bệnh nặng. Cuộc sống của vợ chồng ông Liên giờ phụ thuộc hoàn toàn vào phụ cấp bệnh binh của ông và chế độ chất độc da cam của bà.

Từ nhiều năm qua, chưa bao giờ ông Liên được ngon giấc. Chợp mắt “nửa nằm nửa ngồi” bên cạnh mà nhiều lắm cũng chỉ được 1 giờ để khi bà cần đã có ông ở bên. Lâu lâu các con cũng lên thăm cha mẹ rồi lại phải về lo cuộc sống riêng nên ông cáng đáng hết. Ông Liên kể: “Năm 1995, bà ấy bắt đầu phát bệnh tiểu đường. Ai mách gì tôi cũng nghe theo. Nhiều lần tôi còn thuê cả những người đi rừng lấy những loại thuốc nam cho bà uống. Đều đặn ngày 3 lần trong nhiều năm, tôi sắc thuốc nam cho vợ uống. Khi bà chuyển bệnh nặng, tôi lại cùng vợ “hành quân” đến nhiều bệnh viện chữa trị. May mắn là năm 2008, Bệnh viện đa khoa tỉnh bắt đầu chạy thận nên vợ chồng tôi không phải đi xa nữa”.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó khoa Nội Bệnh viện đa khoa tỉnh chia sẻ: “Vợ chồng ông Liên là những bệnh nhân đầu tiên của khoa chạy thận. Bác sĩ, điều dưỡng ở đây đều cảm phục và hết lòng giúp đỡ họ. Hằng ngày ông Liên tận tụy chăm sóc vợ từ bệnh tiểu đường biến chứng sang thận nhiều năm. Giờ bệnh của bà Sự chuyển nặng, liệt 2 chân, cơ thể đau đớn nên bà rất khó tính, rên rỉ, la hét thường xuyên mà ông vẫn nhẹ nhàng, ân cần nâng giấc, lau mặt, nắn chân và vệ sinh hằng ngày cho bà. Vì vậy mọi người càng thêm thương, thêm trọng tình nghĩa vợ chồng của họ”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
18455

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu