Thứ 4, 24/04/2024 02:05:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:26, 25/05/2013 GMT+7

Chuyện thường ngày ở văn phòng công chứng

Thứ 7, 25/05/2013 | 09:26:00 5,959 lượt xem

Kể từ khi Luật Công chứng đi vào cuộc sống, dịch vụ công chứng tư đã hình thành để đáp ứng nhu cầu công chứng các bản dịch, hợp đồng bất động sản, hợp đồng kinh tế… Hoạt động công chứng tư góp phần đảm bảo tính pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí đi lại của người dân. Tuy nhiên, hoạt động công chứng tư đang gặp những khó khăn nhất định, do người dân còn hạn chế về nhận thức, xem nhẹ những quy định, nguyên tắc của Luật Công chứng.

LÀM CHẶT... DÂN PHÀN NÀN

Trước đây, người dân thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng, mua bán đất và các loại tài sản khác như nhà ở, vay vốn thế chấp ngân hàng... đều phải lên bộ phận tư pháp xã để công chứng giấy tờ, hồ sơ. Tại đây, nhiều hợp đồng công chứng không được thực hiện khách quan và đúng theo quy định của pháp luật, do dựa vào những mối quan hệ họ hàng hoặc lý do khác. Từ khi Luật Công chứng ra đời (cách đây 5 năm), hoạt động công chứng được thắt chặt hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên thực hiện giao dịch. Theo đó, các phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp và các văn phòng công chứng tư đã thắt chặt theo luật. Tuy nhiên, họ lại không được người dân ủng hộ, vì cho là nhũng nhiễu.

Văn phòng công chứng
Nhân viên Văn phòng công chứng Bình Phước hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng

Bà Nguyễn Thị Hà Xuân, Trưởng phòng công chứng Chơn Thành (huyện Chơn Thành) cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, văn phòng công chứng gặp không ít khó khăn do người dân chưa nhận thức đầy đủ về Luật Công chứng. Khi đến công chứng các hợp đồng mua bán tài sản, vay vốn ngân hàng, họ thường không mang đủ các loại giấy tờ theo quy định. Dù được công chứng viên giải thích rõ ràng, nhưng một số ít người dân lại cho rằng phòng công chứng cố tình gây khó dễ”.

Vì lẽ đó, Văn phòng công chứng Chơn Thành đã lập biên bản đối với ông Đ.V.C (xã Quang Minh). Ông C đến văn phòng yêu cầu công chứng hồ sơ thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng. Qua xem xét hồ sơ của ông, công chứng viên nhận thấy hồ sơ không đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật Công chứng, nên đã từ chối công chứng hợp đồng. Bất bình vì chuyện này, ông C đã gây rối và dùng những lời lẽ thô tục chửi nhân viên văn phòng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng văn phòng công chứng Bình Phước (TX. Đồng Xoài) chia sẻ: “Một số quy định trong lĩnh vực quản lý về đất đai hiện còn chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện các hợp đồng thế chấp, mua bán quyền sử dụng đất. Chính vì những chồng chéo này, một số người dân cho rằng văn phòng công chứng cố tình nhũng nhiễu, vòi tiền người dân”.

TỪ HẠN CHẾ NHẬN THỨC... ĐẾN GIAN LẬN

Cũng theo ông Hùng, phần lớn người dân khi đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hay thế chấp ngân hàng, họ gặp nhiều hạn chế về những khái niệm như: Hộ gia đình là gì? Gồm những ai? Ai được quyền đại diện?... Do đó, rất nhiều trường hợp khi người dân đi làm hợp đồng công chứng, đã không đưa theo các thành viên trong gia đình để ký xác nhận hợp đồng. Có trường hợp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi cấp cho hộ ông A, nhưng khi ông A lên làm thủ tục công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại lý lẽ: Đất này do tôi khai phá một mình, vợ con không liên quan gì, nên tôi có quyền được sở hữu. Với những trường hợp này, công chứng viên giải thích rõ cho hộ gia đình theo Bộ luật Dân sự để họ hiểu.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, ngoài những khó khăn nêu trên, hệ thống văn phòng công chứng tư còn gặp rào cản và một số khó khăn lớn. Đó là, người dân và ngân hàng còn phân biệt giữa công chứng tư và công chứng nhà nước. Một số hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh như: An Bình, ACB, Techcombank không công nhận những hợp đồng công chứng thế chấp tài sản tại văn phòng công chứng tư.

Năm 2012, Văn phòng công chứng Chơn Thành đã phát hiện hơn 10 trường hợp gian lận trong quá trình làm thủ tục công chứng. Bà Nguyễn Thị Hà Xuân nói: “Để thực hiện những hành vi gian lận, có trường hợp người dân thay hình gốc trong chứng minh nhân dân để mạo người đến văn phòng ký hợp đồng công chứng. Nếu không kiểm tra kỹ, chúng tôi sẽ bị họ lừa. Để đề phòng những trường hợp này, chúng tôi đã kiểm tra dấu giáp lai đóng trên hình dán trong chứng minh nhân dân; đối chiếu vân tay người ký trong hợp đồng công chứng với vân tay trong chứng minh nhân dân”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hùng cho biết thêm: “Hiện nay, các hành vi gian lận trong quá trình làm thủ tục công chứng vẫn chưa có biện pháp xử lý. Khi văn phòng công chứng phát hiện hành vi gian lận của người dân, chỉ có cách giải quyết duy nhất là công chứng viên từ chối thực hiện công chứng hợp đồng, chứ không có quyền lập biên bản kiến nghị xử lý. Vì vậy, việc cố tình gian lận trong quá trình làm thủ tục công chứng vẫn diễn ra thường ngày”.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
23141

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu