Thứ 6, 29/03/2024 01:31:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:52, 20/07/2018 GMT+7

Tản văn

Chuyện nợ nần

Thứ 6, 20/07/2018 | 14:52:00 520 lượt xem
BP - Nhà tôi vừa đón một môn khách “bất đắc dĩ”. Nói thế e có người bảo tôi khiếm nhã, nhưng đó là sự thật. Vợ chồng người chị họ ở quê vô chơi, gần hết tuần vẫn chưa thấy đòi về. Cả hai vợ chồng tôi đều là công chức, ngày thứ phải đi làm nên giao nhà cho anh chị ấy tôi thực sự không tin tưởng. Lý do chị ấy chỉ là họ hàng xa, lấy chồng tận đẩu đâu, làm ăn thua lỗ nên phải giao nhà lại cho hai đứa con rồi vợ chồng dắt díu nhau vào Nam trốn nợ.

Khi nghe anh chị đặt vấn đề ở nhờ trong nhà và tìm giúp việc làm, tôi gọi điện về quê để xác minh thì được biết: chị làm tổ trưởng phụ nữ, đồng thời là tổ trưởng vay tín chấp ngân hàng chính sách. Lợi dụng quyền hạn, chị thu tiền lãi, tiết kiệm và cả tiền gốc của các hộ được vay, số tiền lên đến trên 300 triệu đồng nhưng không trả ngân hàng mà cho vay lãi cao bên ngoài. Đến khi đường dây “tín dụng đen” bị vỡ, người ta ôm tiền bỏ trốn, sợ không có tiền trả nợ thì ngân hàng đến kê biên nhà nên anh chị bỏ trốn và tìm đến gia đình tôi. Cả hai tuổi đều đã cao, lại chẳng nghề ngỗng gì nên chồng tôi chỉ tìm cho anh được chân phụ hồ, còn chị phụ quán cơm, lương 3 triệu đồng/tháng bao cơm trưa.

Có thêm người ở trong nhà, sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn và tôi thêm vất vả. Ghét nhất là đến bữa cơm, chồng tôi cứ mang rượu, bia ra khề khà với ông anh rể họ khiến tôi mất giấc ngủ trưa. Bữa cơm chiều cũng vậy, tôi muốn ăn cho xong để dọn dẹp còn làm việc khác nhưng hai người cứ chén chú chén anh, ăn xong thì đá ghế đứng dậy chứ không thu dọn mâm bát. Thấy tôi nhăn nhó, chồng bảo chẳng ai muốn rơi vào cảnh trốn nợ như anh chị ấy. Mình chả giúp được gì cũng tạo điều kiện cho họ chỗ ăn nghỉ. Bọn anh có nhâm nhi vài ly cũng là để động viên anh ấy đừng nản chí để làm lại từ đầu thôi mà. Nghe chồng nói cũng phải, vả lại anh chị ấy là anh em bên gia đình tôi chứ không phải bên chồng mà được chồng cư xử “dễ thương” như vậy cũng khiến tôi cảm kích.

Sáng nay đến cơ quan, cô bé trong phòng mở máy tính ra xem clip nhóm giang hồ Hải Phòng đánh đập rồi kéo một người đàn ông lên xe, ép viết giấy nợ 1 tỷ đồng, nếu không trả sẽ giết. Buổi trưa, trên đường đi làm về, lại thấy một toán thanh niên đang kéo xềnh xệch một người đàn bà khiến cả đoạn đường bụi bốc mù mịt và cả khu phố huyên náo. Nghe nói người đàn bà kia nợ đám người nọ 50 triệu đồng quá hạn trả đã lâu nhưng không chịu trả mà bỏ trốn. Giờ họ tóm được nên lôi chị ta đến Công an phường nhờ xử lý. Rồi ngay ở ngõ nhà tôi, có một cô giáo mầm non cũng vướng vào đường dây cho vay lãi nặng rồi bị người ta giựt nợ gần 4 tỷ đồng. Tất nhiên số tiền ấy do cô đi gom của anh em, họ hàng, đồng nghiệp. Kết cục là vợ chồng chia tay sau khi phải bán căn nhà 3 tầng để trả nợ.

Nợ. Cái từ chả hay ho gì vì đọc lên nghe cụt ngủn và chẳng ai muốn dây dưa tới nó. Vậy mà cuộc sống cứ người này nợ người kia, người kia nợ người nọ. Người mắc nợ thì lo trốn nợ như anh chị họ tôi, như người đàn bà bị lôi xềnh xệch trên phố trưa nay; người cho vay thì tìm mọi cách để đòi nợ. Mà nhiều khi người cho vay cũng đồng thời là con nợ như cô giáo mầm non ở ngõ nhà tôi. Thế nên từ lâu đã xuất hiện nghề đòi nợ thuê, gọi cho sang miệng là công ty đòi nợ. Tại thị xã Phước Long vài năm trước từng xảy ra vụ chủ nợ vác rựa chặt phăng bàn tay con nợ khi bị quỵt hơn 1,5 tỷ đồng. Và còn nhiều vụ việc gây tổn thương thân thể hoặc tinh thần chỉ vì không đòi được nợ.

Tất nhiên, có nợ phải lo trả nợ, không tự giác trả thì phải đòi. Chỉ sợ tiền bạc trả xong rồi nhưng sự tổn thương mà người ta gây ra cho nhau chẳng bao giờ lành được.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
93677

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu