Thứ 6, 29/03/2024 06:48:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:27, 27/02/2016 GMT+7

KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2-1955 - 27-2-2016)

Chuyện người thầy thuốc ở Trạm quân dân y Bù Gia Mập

Thứ 7, 27/02/2016 | 07:27:00 165 lượt xem

BP - Xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là địa bàn vùng sâu, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu. Việc đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tự đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất hiếm. Chỉ đến khi bệnh nặng, họ mới tìm đến trạm y tế và không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra do bệnh không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Thói quen ở lại rẫy vào ngày mùa của đồng bào DTTS khiến nơi đây còn là điểm “nóng” về bệnh sốt rét. Trạm quân dân y kết hợp Bù Gia Mập xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2011, đã góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng sâu, xa, biên giới.

Y sĩ Vũ Công Hoàn khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Bù Gia Mập - Ảnh: C. Liên

Thượng úy Vũ Công Hoàn, y sĩ quân y Đồn biên phòng Bù Gia Mập là người trực tiếp khám, chữa bệnh tại Trạm quân dân y kết hợp Bù Gia Mập từ khi thành lập đến nay. Trạm cách trung tâm xã 4km nhưng lại gần các thôn Bù Rên, Đắk Á, Bù La, Bù Dốt. Y sĩ Hoàn kể lại: Có khi người nhà bệnh nhân ở Tiểu khu 40, thôn Đắk Á, cách trạm 8km chạy ra gọi là tôi lập tức mang theo thuốc đến. Mùa nắng phải vất vả lắm mới đi được, huống gì mùa mưa. Có những đoạn đường mòn, băng rừng, lội suối, khó đưa được bệnh nhân đến cơ sở y tế. Điều làm anh trăn trở là làm sao tiếp cận với bệnh nhân nhanh để sơ cứu đúng cách, kịp thời chuyển đến bệnh viện đối với những ca bị rắn độc cắn.

Ngoài khám, chữa một số bệnh thông thường, y sĩ Hoàn còn sơ cứu vết thương khi người dân bị tai nạn lao động bởi máy cưa, máy xới, tai nạn giao thông... Trạm còn phối hợp với xã trong thực hiện các chương trình quốc gia như tiêm chủng mở rộng tại những điểm lẻ, tẩm mùng ở khu dân cư phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. “Phải tin tưởng người dân mới tìm đến mình. Để được như vậy, trước đây tôi phải cùng ăn, cùng làm, tuyên truyền cách phòng tránh, chữa bệnh... để đồng bào bỏ dần tập tục lạc hậu nhờ thầy hung “cúng con ma” mỗi khi nhà có người bệnh” - anh Hoàn chia sẻ.

Y sĩ Vũ Công Hoàn khám bệnh cho bệnh nhân Lã Văn Du ở thôn Bù Rên

Khi nghe người dân báo về tình hình bệnh của ông Điểu Sư (thôn Bù Rên), anh Hoàn đến tận nhà khám, phát hiện bệnh nhân đã chuyển sang sốt rét ác tính. Anh yêu cầu người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa thị xã Phước Long điều trị nhưng người bệnh nói nguyện vọng là được chết tại nhà. Sau khi tìm hiểu, anh mới biết do gia đình không có tiền chữa bệnh. Anh Hoàn đã hỗ trợ 500 ngàn đồng và nhờ người đưa ông Sư đi bệnh viện. Ông Điểu Sư được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị mới qua cơn nguy kịch.

Đồng bào DTTS quan niệm, bao lúa mới đầu tiên là để cúng trời, đất và cho những người trong gia đình. Nhưng nay cắt về bao lúa đầu tiên, họ mang một ít cho y sĩ Hoàn. Đi rẫy về họ đem theo nắm rau rừng, măng tươi... cùng niềm tin yêu đến với người thầy thuốc mang quân hàm xanh tại Trạm quân dân y Bù Gia Mập.

Thông thường, người dân khi đến trạm khám bệnh đều được miễn chi phí khám, sử dụng máy khí dung, máy hút đàm, test xét nghiệm sốt rét, chỉ phải trả tiền thuốc. Có lần, bệnh nhân mới 3-4 tuổi được người nhà đưa đến trạm chữa bệnh, khi đưa thuốc thì nhận được câu trả lời: “Ồ, không có tiền đâu”. Điều trị nửa ngày, anh không thấy người nhà cho trẻ ăn gì. Hỏi ra mới biết họ không mang theo thức ăn. Anh phải đi mua sữa phục vụ bệnh nhân trong mấy ngày điều trị, vì nếu không ăn, uống thuốc sẽ gây tác dụng phụ và bệnh nhân cũng mất sức. Mùa mưa, anh kiên quyết giữ bệnh nhân ở lại trạm, nếu để họ về rẫy, đường khó đi sẽ không quay lại chữa tiếp cho dứt bệnh. Hơn 70% bệnh nhân đến trạm là đồng bào dân tộc bản địa, cuộc sống rất khó khăn. Theo thói quen của đa số người dân nơi đây, 1 người bệnh thì cả gia đình kéo nhau đến trạm, đôi khi có thêm hàng xóm. Trong suốt thời gian điều trị, cả gia đình bệnh nhân đều nghỉ làm. Họ mang theo nồi, thức ăn đến nấu tại trạm. Việc thay đổi nhận thức cho đồng bào không phải ngày một, ngày hai mà làm được. Điều làm anh vui nhất là đồng bào DTTS nơi đây đã tin tưởng, khi mắc bệnh liền tìm đến Trạm quân dân y kết hợp chữa trị, không còn “cúng con ma” như trước.

Anh Hoàn trăn trở: “Thuốc được cấp không đủ sử dụng. Tôi thường xuyên bỏ tiền mua thêm thuốc chữa bệnh cho đồng bào DTTS. Bệnh viện Nhân Ái (Bù Gia Mập), các đoàn khám từ thiện cũng hỗ trợ thêm thuốc cho trạm nhưng vẫn thiếu. Rất mong các tổ chức, cá nhân ủng hộ thuốc thường xuyên để chữa bệnh cho đồng bào DTTS nghèo”. Khó khăn chồng chất nhưng y sĩ Hoàn luôn nở nụ cười với bệnh nhân và người dân nơi đây.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
95051

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu