Thứ 6, 29/03/2024 06:03:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:28, 13/02/2016 GMT+7

Chuyện người nông dân bảo vệ cột mốc biên giới

Thứ 7, 13/02/2016 | 06:28:00 334 lượt xem

BP - Sáng sớm, trên vùng đất biên giới vẫn còn phảng phất cái lành lạnh của những cơn gió trái mùa đổ về. Từng vườn cây, đám cỏ như được tưới lên luồng sinh khí mới như thể tiếp thêm sức mạnh để chống chọi với ánh nắng bỏng rát nơi đây. 3 năm nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần, ông Lê Văn Quá lại đùm thức ăn vượt gần 20km lặng lẽ một mình chăm sóc cột mốc biên giới, công việc mà theo ông “là thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của con dân đất Việt”. Anh Xuân Thanh Hồng, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn biên phòng Chiu Riu cho biết: Ông Quá đã thể hiện tình yêu và trách nhiệm của mình, góp sức chung tay bảo vệ cột mốc biên giới bằng việc làm thiết thực. Sau mỗi chuyến đi, ông đều báo với đồn về hiện trạng của cột mốc để có sự liên hệ.

TÌNH YÊU CỦA CON DÂN ĐẤT VIỆT

5 giờ sáng, ông Lê Văn Quá đã rục rịch dậy, cho đàn heo ăn, rửa dọn chuồng sạch sẽ và chuẩn bị phần cơm cùng chai nước mang theo “lên đường làm nhiệm vụ”. Hành trang của ông là một con dao rựa, một cây chổi và một cái khăn sạch. Vượt gần 20km, ông Quá mang trong mình tình yêu Tổ quốc thân thương đến với cột mốc biên giới 74 thuộc địa bàn xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) để chăm sóc, canh giữ. Mấy năm qua, ông phải vượt chặng đường bụi đỏ khi trời nắng và sình lầy vào mùa mưa, ổ voi, ổ gà xen dày đặc như giăng bẫy nhưng cũng không làm bước chân ông nản. Giờ đây tuyến đường này đã được trải nhựa, tạo thuận lợi cho lưu thông.

Lau cột mốc là phần việc thiêng liêng nhất nên ông Quá luôn cẩn thận, chau chuốt

Chiếc xe honda cũ không còn oằn mình chống chọi với đoạn đường “đau khổ” mà bon bon chạy, thỉnh thoảng như rít lên khi có cơn gió mạnh thổi qua. Vì quá quen nên mỗi khi qua chốt của Đồn biên phòng Chiu Riu, cán bộ, chiến sĩ của đồn đều niềm nở chào hỏi ông một cách thân thiện. Để vào được cột mốc 74, ông Quá phải gửi xe trong chòi rẫy của người dân và lội bộ băng rừng hơn 1km. Lối mòn dẫn vào, hễ gặp cành cây dại sà xuống, ông đều chặt bỏ để tạo lối đi thông thoáng cho bộ đội tuần tra, canh giữ.

Cột mốc 74 có vị trí đặc biệt quan trọng bởi được đặt ở mũi đất tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Trên đường vào cột mốc, ông không quên ghé cột dấu 74 để phát quang bụi cỏ. Chăm sóc cột mốc đã trở thành quen thuộc nên khi đến nơi, ông thực hiện từng việc một cách thuần thục. Dáng người dong dỏng cao nhưng khỏe mạnh, ông phát từng bụi cây, cỏ dại xung quanh dứt khoát, mạnh mẽ. Sau đó, ông cặm cụi nhổ cỏ ở bìa đất cạnh cột mốc. Ông nói: “Cỏ lan nhanh nên phải thường xuyên tận diệt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan ở cột mốc. Việc làm này nhà nông chúng tôi đã quá quen”.

Trước khi vào cột mốc, ông Quá đều phát quang cỏ xung quanh cột dấu 74

Dưới cái nắng hanh hao của tiết trời vào xuân dường như càng gắt hơn về trưa nên chiếc áo của ông đã thấm đẫm mồ hôi. Chiếc nón lưỡi trai quá nhỏ làm cho khuôn mặt thêm bỏng rát, thỉnh thoảng ông đưa tay gạt những giọt mồ hôi. Các công đoạn phần ngoài đã xong, ông bắt đầu việc ở vòng trong. Từng nhát chổi cuốn theo bụi cát, lá khô ở sân và trên bậc của cột mốc, chẳng bao lâu đã trả lại mặt bằng sạch sẽ. Và phần việc được ông nâng niu, trân trọng nhất chính là lau cột mốc. Chẳng thế mà trước mỗi chuyến đi ông đều chọn và giặt thật sạch chiếc khăn dùng để lau cột mốc. Nắn nót, tỉ mỉ, bàn tay thô ráp của ông khi lau cột mốc lại trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng. Bởi mỗi giây mỗi phút lúc này, ông làm bằng cả tấm lòng. Đã quá quen nhưng sao trong ông mỗi lần thực hiện thì hai chữ “VIỆT NAM” trên cột mốc thiêng liêng lại chộn rộn, rạo rực trong từng nếp nghĩ, ánh nhìn. Ông xúc động: “Không lời nào lý giải được cảm xúc đó nhưng tôi thấy thật tự hào về đất nước mình”. Và cái chất phác, thuần hậu của người nông dân ấy biểu hiện ở sự không thể lý giải được bằng lời nhưng lại chất chứa nhiều tình cảm.

Khi mọi việc xong xuôi cũng là lúc mặt trời đứng bóng, ông tìm tán cây và tự thưởng cho mình phần cơm. Gọi là phần cơm chứ bữa ăn của ông rất đơn giản khi thì một vài con cá nhỏ kho, khi quả trứng luộc, chiên hoặc những miếng đậu hũ sốt... Ông nói: “Ăn cho qua bữa để chống đói, miễn là hoàn thành tốt công việc, thế là vui rồi”. Vừa ăn, ông vừa ngắm nhìn cột mốc trong lòng dâng lên niềm vui khôn tả.

CÒN SỨC CÒN CỐNG HIẾN

Ở tuổi 51 nhưng ông Quá già hơn hẳn là bởi ông đã phải trải qua bao năm tháng mưu sinh, lăn lộn trên nhiều mảnh đất. Ai cũng bảo ông là khùng, là điên khi bỏ phố lên rừng nhưng ông chẳng bận tâm bởi “mình có lẽ riêng”. Cái lẽ riêng mà ông nhắc đến ở đây chính là sự nghèo khó luôn đeo đẳng đã thôi thúc ông khăn gói vào Nam lập nghiệp, nơi mà đất đai rộng lớn, phì nhiêu sẽ là cơ hội giúp ông thực hiện ước mơ làm giàu. Vậy là ông “Nam tiến” mặc gia đình cản ngăn.

Ông Quá đưa từng nhát chổi thuần thục cuốn đi cành cây khô, bụi bẩn để làm sạch, đẹp cột mốc

Trên mảnh đất mới ở xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) năm 1993, không tiền, không nghề nghiệp, ông Quá phải làm nhiều nghề tự do từ phụ hồ, dọn vườn rẫy, chở củi thuê, xạc cỏ... Công việc nặng nhọc, đường sá lạ lẫm, phong tục tập quán của người dân bản địa cũng khác nhưng không làm ông nản chí. Rồi ông cũng nhanh chóng lập gia đình và càng chịu khó lao động. Khi có vốn, vợ chồng ông mua rẫy ở tỉnh Đắk Nông và chuyển đến sinh sống từ năm 2011. Hai năm sau, gia đình ông lại về sống ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh).

Nhà có 3 sào tiêu nên thời gian dư dả nhiều, vì vậy hằng ngày vợ ông dậy sớm đi chợ lấy hàng về bỏ mối cho các tiệm tạp hóa trên địa bàn xã. Còn ông vừa chăm vườn vừa nuôi heo nhằm tăng nguồn thu. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua, cho đến một ngày ông đi làm thuê trong rẫy và tình cờ thấy bộ đội biên phòng đang canh giữ, chăm sóc cột mốc biên giới - cột mốc 74. Từ đó trong ông thôi thúc ý nghĩ “Tại sao mình không góp sức canh giữ cột mốc, trong khi bản thân có đủ sức khỏe?”. Nói là làm, ông Quá bắt đầu cơ duyên với nhiệm vụ thiêng liêng từ đó, bỏ ngoài tai những lời bàn tán của người dân rằng “toàn lo chuyện bao đồng” hay “dư sức thì lo làm giàu rồi hãy nghĩ đến việc khác”...

Không để ảnh hưởng đến công việc gia đình, trước mỗi chuyến đi ông đều lên kế hoạch làm hết những việc cần thiết. Vì thế 3 năm nay, nhận được sự ủng hộ từ gia đình nên ông đã lặng lẽ gắn bó với công việc này mà không hề đòi hỏi lợi ích cá nhân. Ông lập luận: “Đất nước là của chúng ta. Đảng và Nhà nước đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để người dân được ấm no, hạnh phúc. Vậy tại sao, mỗi người dù ở bất kỳ hoàn cảnh, cương vị nào lại không đóng góp sức mình bảo vệ mảnh đất quê hương. Làm được điều này tức là chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Suy nghĩ thế nên ông bảo “Chừng nào còn sức thì tôi còn cống hiến và bản thân thấy vui vì việc làm có ý nghĩa. Hạnh phúc chỉ đơn giản là vậy”.

Niềm vui ấy cứ thôi thúc, nhen nhóm mãi trong ông nên chặng đường đi - về gần 40km dường như ngắn lại. Để rồi, mỗi chuyến đi của ông được tiếp thêm sức mạnh. Cái sinh khí của thời bình, đất nước giữ yên bờ cõi, nhân dân được tự do, hạnh phúc đã trở thành ý chí để ông chung tay bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Và mỗi lần đến với cột mốc, ông lại thấy yêu hơn cái cảm giác được thả mình trong không gian bao la, thanh bình của đất trời, yêu hơn cái mùi ngai ngái, nồng nồng của cỏ cây cùng tiếng chim rừng hót trong veo. Vì thế với ông, đường đến trái tim của Tổ quốc thật ngắn!

Hải Châu

  • Từ khóa
92843

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu