Thứ 6, 19/04/2024 11:46:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:17, 17/08/2016 GMT+7

Chuyện “khó nói” đầu năm học

Thứ 4, 17/08/2016 | 09:17:00 97 lượt xem

BP - Năm học 2016-2017 sắp bắt đầu. Cứ vào năm học mới là các bậc phụ huynh lại phải đối đầu với biết bao nỗi lo. Hàng trăm khoản phải chi cho con đến trường như quần áo mới, sách vở, ba lô, giày dép... Sau buổi họp phụ huynh đầu tiên là phải đóng học phí, tiền xây dựng trường, cùng nhiều khoản không tên khác... Nhiều người biết có những khoản nhà trường thu sai quy định, thậm chí vượt mức quy định nhưng vẫn tặc lưỡi đóng cho xong chuyện. Không phải ai cũng dám lên tiếng, có người còn cho rằng đây là chuyện “khó nói” nên tình trạng lạm thu vẫn diễn ra nhiều năm nhưng rất khó xử lý.

Mặc dù Chính phủ, ngành giáo dục, UBND các địa phương đã có những quy định chặt chẽ, nhưng không ít trường núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”, buộc phụ huynh phải đóng các khoản phí ngoài quy định. Một số trường vẫn tự cho mình “đặc quyền” trong chuyện thu các khoản phí đầu năm. Có những trường nói các khoản thu ngoài quy định là trên “tinh thần tự nguyện” nhưng thực chất phụ huynh không đóng không được. Bởi nếu không tự nguyện nộp thì con em họ sẽ không được vào trường, hoặc trong quá trình học sẽ có sự đối xử không công bằng. Tâm lý của phụ huynh nói chung là con đã vào được trường rồi thì đóng góp thêm một khoản tự nguyện gì đó cho trường cũng được. Những người có điều kiện, kinh tế khá giả thì còn đỡ, nhưng đối với những hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thì rất bức xúc. Có những gia đình phải đi vay nóng hoặc mượn của anh em, bạn bè để nộp tiền đầu năm học cho con.

Thực tế cho thấy việc thu các khoản phí đầu năm học luôn là bài toán khó làm thỏa mãn cả phụ huynh lẫn nhà trường. Vẫn biết một số khoản thu để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đủ để đáp ứng cũng là một cách chia sẻ giữa gia đình và nhà trường, nhưng phải làm sao để không có chuyện bỏ túi riêng hay “tự nguyện kiểu bắt buộc” là việc quá khó. Thậm chí có trường còn “dọa” sẽ không thực hiện bán trú với lý do không đủ tài chính nếu phụ huynh không đồng ý đóng các khoản phí hỗ trợ. Vì sao năm nào câu chuyện lạm thu đầu năm học cũng được nhắc đến? Một lý do ai cũng có thể dễ nhận thấy là dù có phát hiện ra việc lạm thu nhưng không ai bị xử lý nên dù cơ quan quản lý có ra văn bản kiểu này, kiểu khác để nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng vẫn không ai sợ.

Ngoài ra, cũng rất khó để thay đổi tư tưởng của phụ huynh, bởi ai cũng muốn con em mình không bị để ý nên không dám lên tiếng, nếu phản đối thì sợ ảnh hưởng đến con cái. Đây chính là điều kiện cho vấn đề lạm thu ở nhiều trường vẫn cứ xảy ra. Không chỉ lạm thu, thu sai hay vượt mức quy định của Nhà nước mà một số trường thu tiền xong để ngoài sổ sách, chi tiêu không minh bạch. Thu sai quy định không chỉ là gánh nặng của nhiều gia đình, nhất là hộ nghèo, mà còn gây hệ lụy làm mất niềm tin của người dân đối với công tác giáo dục, đào tạo. Muốn khắc phục nạn lạm thu trước tiên cần phải có những ý kiến chính thức, thẳng thắn của phụ huynh, không thể coi đó là chuyện “khó nói”. Bên cạnh đó, thanh tra ngành giáo dục phải vào cuộc, tìm ra được những trường lạm thu để xử lý nghiêm. Nên chăng chính quyền các cấp cần có đường dây nóng, để khi có vấn đề gì, phụ huynh sẽ thông tin đến nhằm chỉ đạo xử lý kịp thời, ngăn chặn ngay tình trạng lạm thu vẫn âm ỉ diễn ra nhiều năm qua.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu