Thứ 7, 20/04/2024 20:54:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:11, 20/04/2014 GMT+7

Chuyện giảm nghèo ở xã Tân Hưng

Chủ nhật, 20/04/2014 | 08:11:00 212 lượt xem

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hớn Quản, ngoài sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo (XĐGN), người dân ở Tân Hưng còn được hưởng nhiều dự án hỗ trợ về con giống, cây trồng, phân bón... để vươn lên thoát nghèo.

Chủ động thoát nghèo

Ông Điểu Thành, Phó chủ tịch UBND xã thẳng thắn: Tân Hưng là xã thuần nông, kinh tế phát triển chưa vững chắc; thời tiết diễn biến bất thường; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát; giá nông sản biến động mạnh, trong khi việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) còn hạn chế. Đặc biệt, nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận người dân chưa đổi mới, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Gia đình bà Thị Kim Anh đã thoát nghèo nhưng vẫn còn rất khó khăn Ảnh: Bà Thị Kim Anh và các cháu trước ngôi nhà tuềnh toàng

 
Từ thực tiễn trên, xã xác định, muốn phát triển kinh tế hiệu quả, trước hết phải nâng cao nhận thức cho người dân, đổi mới phương thức canh tác, áp dụng KH-KT vào sản xuất. “Là xã đặc biệt khó khăn, Tân Hưng được hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất. 100% hộ dân trong xã được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất và được hỗ trợ trực tiếp cây - con giống, phân bón... Chính vì vậy, vấn đề XĐGN hiện nay phải là sự đột phá trong ý thức của người dân” - ông Điểu Thành nói.

Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho người dân, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, trồng nhiều loại cây - con giống trên cùng một diện tích... Đi tiên phong là các đảng viên ở cơ sở. Anh Trịnh Xuân Hùng, Trưởng ban Mặt trận ấp Sóc Ruộng là một đảng viên đi đầu trong việc áp dụng KH-KT để cải tạo vườn điều, xen canh hồ tiêu, ca cao cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Hùng cho biết: “Trước đây, gia đình có 1 ha đất trồng điều, do không có kinh nghiệm trong sản xuất nên hiệu quả không cao. Năm 2010, nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã áp dụng KH-KT vào cải tạo đất, trồng xen ca cao, hồ tiêu dưới tán điều. Tận dụng không gian thoáng rộng của vườn điều, gia đình còn đầu tư xây chuồng trại nuôi heo thịt, lấy chất thải bón cho cây trồng nên tiết kiệm được chi phí đầu tư. Tôi nghĩ, là đảng viên cần phải chủ động vươn lên thoát nghèo để các hộ dân khác noi theo. Chính vì vậy, năm 2011, gia đình xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhường chỗ cho gia đình khác khó khăn hơn”.

Làm theo mô hình của anh Hùng, nhiều hộ nghèo trong ấp đã vươn lên như hộ anh Lê Hữu Quân ở tổ 9, ấp Sóc Ruộng. Năm 2004, gia đình anh Quân thuộc diện hộ nghèo. Nhờ tập trung cải tạo vườn điều kết hợp với chăn nuôi heo, lấy phân bón tưới cho cây trồng nên năng suất vườn điều 2 ha cao hơn hẳn. Năm 2013, gia đình anh Quân đã thoát nghèo và đang vươn lên thành hộ khá.

... Và những vấn đề cần làm ngay

Ông Điểu Thành, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho rằng: Thời gian qua, chúng ta đã trao rất nhiều “cần câu cơm” cho người nghèo nhưng đôi khi trao không đúng và không trúng mục tiêu. Cụ thể, việc hỗ trợ con giống chưa bám sát thực tế chăn nuôi tại địa phương. Tháng 1-2014, một số hộ trong xã được hỗ trợ giống ngan Pháp nhưng con nhỏ, tỷ lệ sống không nhiều. Hơn nữa nuôi ngan chỉ có thể cải thiện bữa ăn gia đình chứ chưa thể giảm nghèo. Việc cấp cây giống không đúng thời vụ, không phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương đã gây ra những khó khăn cho người dân khi gieo trồng và lãng phí, thất thoát rất nhiều. Việc hỗ trợ phân bón cho hộ nghèo là một chủ trương lớn nhưng hộ nghèo không có đất sản xuất, nhận phân bón về chỉ để bán lại với giá rẻ như cho. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Đảng và Nhà nước cần phải được xem xét kỹ lưỡng để người dân xem đó là “cần câu” thoát nghèo.

Ngoài những bất cập nêu trên, phụ cấp cho cán bộ XĐGN thấp, không có biên chế cũng là một trong những trở ngại cho công tác giảm nghèo ở xã Tân Hưng. Nhiều cán bộ lương không đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày nên bỏ việc, xin vào làm ở các công ty, xí nghiệp. Cán bộ phụ trách thay đổi thường xuyên, không nắm bắt được chuyên môn kịp thời nên rất khó thực hiện nhiệm vụ...

Theo thống kê của UBND xã, Tân Hưng có 2.668 hộ, tính đến hết năm 2013 còn 122 hộ nghèo, đầu năm đã giảm 84 hộ, nhưng trong năm có 2 hộ tái nghèo và có thêm 24 hộ nghèo mới. Như vậy việc giảm nghèo ở xã Tân Hưng thực sự chưa bền vững.

Luận Hương

  • Từ khóa
48863

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu