Thứ 7, 20/04/2024 05:52:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:56, 06/02/2016 GMT+7

Chuyện đi sứ ngày xưa

Thứ 7, 06/02/2016 | 14:56:00 2,904 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Duy Thì người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng, nay là huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Năm 1598, đời vua Lê Thế Tông, Nguyễn Duy Thì 27 tuổi, đỗ Đệ nhị tiến sĩ. Năm 1606, ông được thăng làm Cấp sự trung, vâng lệnh sang sứ nhà Minh. Khi trở về ông được phong làm Thiêm ngự sử, tước Phương tuyền bá.

Khi đó, trong nước có nhiều điềm tai dị khiến mọi người bàn tán. Nguyễn Duy Thì dâng khải lên chúa Trịnh Tùng, khuyên làm những điều nhân đức có lợi cho dân chúng. Tờ khải của ông có đoạn viết:

Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay thánh thượng để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy... Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời và chuyển tai họa thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy.

Ý kiến của ông được Trịnh Tùng khen ngợi và nhận lời làm theo. Năm 1616, ông được đổi sang làm Đô ngự sử rồi thăng Tả thị lang bộ Lễ. Khi Trịnh Tùng làm chúa, lấn át quyền hành của vua Lê Kính Tông. Vua Lê liên kết với con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân để chống lại. Năm 1619, Trịnh Xuân nhân danh giúp Lê Kính Tông, khởi binh chống lại Trịnh Tùng. Lúc đó, Nguyễn Duy Thì cùng Nguyễn Danh Thế, Lê Bật Tứ đều khuyên Trịnh Tùng làm việc phế lập, với danh nghĩa theo gương phụ chính của Hoắc Quang nhà Hán phế Xương Ấp vương Lưu Hạ. Trịnh Tùng nghe theo, bèn bắt giết Lê Kính Tông và Trịnh Xuân, lập vua mới là Lê Thần Tông lên ngôi.

Thời Lê Thần Tông, Nguyễn Duy Thì được đổi sang làm Tả thị lang bộ Lại, tước hầu. Năm 1623, vì có công hộ giá vua và đi sứ nhà Minh, ông được phong làm Vận Dực tán trị công thần. Năm 1626, ông được thăng làm Thượng thư bộ Công, rồi Tuyền quận công, gia thăng làm Thiếu phó. Năm 1642, ông đổi sang làm Thượng thư bộ Binh, rồi gia thăng làm Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, giữ việc 6 bộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, coi học viện Hàn lâm. Sau đó, ông được thăng làm Thái phó, được mở phủ gọi là Bỉnh Quân.

Năm 1606, khi đó mới 35 tuổi, ông được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh.  Hoàng đế nhà Minh muốn thử tài ông nên ra câu đố: Đi cùng vua, thầy học và cha trên một chuyến đò, nếu có bão đắm đò thì cứu ai trước? Đây quả là một câu hỏi hóc búa, vì theo đạo lý Khổng học thì quân - sư - phụ, nếu cứu ai trước, mà chưa kịp cứu hai người kia thì đã bị tội hoặc là bất trung hoặc là bất hiếu hoặc bất hiếu và bất nghĩa. Thế nhưng sứ thần Nguyễn Duy Thì đã khôn khéo trả lời: Thưa, gần người nào thì cứu người ấy trước và sẽ cứu cả ba.

Nghe vậy, hoàng đế nhà Minh lại hỏi: Thức ăn gì ngon nhất? Vật quý nhất trên đời là gì?

Sứ thần trả lời: Muối ngon nhất, thiếu muối thì món gì cũng nhạt nhẽo. Quý nhất là sĩ phu (trí thức) khiến nước thanh bình, phồn thịnh. Nghe xong, hoàng đế nhà Minh cảm phục tài trí của sứ thần Đại Việt và từ đó rất ưu đãi đoàn sứ thần.

Lời bàn:

Theo sử cũ cho thấy, suốt 50 năm làm quan, ông lần lượt được thăng chức từ Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, đến những chức ngang hàng Tể tướng, giúp chúa Trịnh điều hành mọi công việc trong phủ chúa. Nguyễn Duy Thì là một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê trung hưng, ông đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê - Trịnh, trong thì giữ yên chính trị; ngoài thì trấn áp phản loạn, khôi phục mối bang giao hữu hảo với phía Bắc, giữ gìn tình cảm truyền thống người Việt với nhà Nguyễn ở phía Nam; một lòng trung quân, ái quốc, thương dân. Ngoài những trọng trách trong triều đình, nội chính trong phủ chúa, ông còn là vị tướng thân chinh có nhiều công lao dẹp Mạc Kính Khoan, dư đảng của triều Mạc.

Công lao của Nguyễn Duy Thì với triều đình Lê - Trịnh nói riêng, với quốc gia Đại Việt nói chung rất lớn lao. Nhà sử học Phan Huy Chú đã xếp ông vào hàng 38 vị phù tá có công lao tài đức của nhà Lê trung hưng. Ngoài quan chức triều đình, Nguyễn Duy Thì còn là một nhà giáo dục có nhiều công lao với đất nước. Và tư tưởng xem “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân”..., “trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi”..., “người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con”..., đã minh chứng ông là người trọng dân, vì dân và cũng là vì giang sơn, xã tắc. Vì vậy, mong rằng hậu thế đừng ai quên rằng, dân là gốc của nước và gốc của đạo trị nước là ở yên dân.

ND

  • Từ khóa
109757

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu