Thứ 5, 25/04/2024 17:45:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:24, 27/07/2017 GMT+7

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017)

Chuyện của những người quản trang

Thứ 5, 27/07/2017 | 14:24:00 440 lượt xem
BP - Tận tình chăm sóc nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ suốt 16 năm qua, với những người quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh đó không đơn thuần là công việc mà còn là nghĩa vụ, tấm lòng tri ân đồng đội và những người đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc.

Người lính kiên trung, tận tụy

Dẫn tôi đi thăm Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, ông Trương Quốc Tư (60 tuổi), Tổ trưởng tổ quản trang vẫn tranh thủ nhổ những gốc cỏ tranh, cỏ chỉ, cỏ Mỹ và vừng đất, xấu hổ... mọc quanh các ngôi mộ. “Ở đây anh em quản trang liên tục nhổ cỏ. Do mưa nhiều nên cỏ, cây mọc nhanh, cứ nhổ được vài ngày lại mọc đầy. Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cận kề, chúng tôi đang tập trung chỉnh trang để Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thêm phần khang trang, sạch đẹp” - ông Tư nói.

Quản trang Trương Quốc Tư thu gom lá rụng tại khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ tỉnh

Ông Tư quê tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1978 và được biên chế vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 3, Sư đoàn 30, Quân khu 9, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1983, ông xuất ngũ và trải qua nhiều công việc ở Lâm trường Đồng Xoài (Đồng Phú). Năm 2005, ông về làm quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Chăm sóc nơi an nghỉ của liệt sĩ suốt 12 năm, ông luôn tận tụy với công việc, nhiệt tình giúp đỡ thân nhân, đoàn khách đến tìm, thăm viếng mộ liệt sĩ. Ông Tư cho biết, khách đến thăm viếng, thấy cảnh quan khang trang, sạch, đẹp họ rất vui. Tuy nhiên cũng có người chưa hài lòng vì đôi lúc mộ liệt sĩ còn cỏ mọc. Tuy không nói ra nhưng nhìn khóe mắt họ, tôi biết họ không yên lòng. Những lúc như thế tôi thấy có lỗi và tự động viên bản thân cố gắng hơn. Công việc nhiều, ông Tư luôn động viên anh em tổ quản trang làm việc tận tình, chu đáo để nghĩa trang sạch, đẹp, góp phần gìn giữ, bảo vệ tốt mộ liệt sĩ, xứng đáng với sự tin tưởng của cán bộ, nhân dân và thân nhân liệt sĩ.

Nghĩa tình của người thương binh

“Chúng tôi đều là đồng đội sống, chiến đấu cùng nhau trên các chiến trường gian khổ, ác liệt. Nay may mắn còn sống, có gia đình và chứng kiến đất nước ngày càng phát triển, tôi thấy hạnh phúc, còn các liệt sĩ nằm đây đã chịu thiệt thòi”. Đó là tâm sự của ông Trần Văn Bè (68 tuổi), thương binh 4/4, nhân viên tổ quản trang. Ông Bè quê tỉnh Bắc Ninh, nhập ngũ tháng 7-1968, làm liên lạc ở Đại đội 2 (Đại đội 2 được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 10-2-1970 - PV), Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân khu 7. Sau khi nhập ngũ 6 tháng, ông Bè được giao làm Trung đội phó trinh sát. Ông bị thương trong nhiều trận chiến, nặng nhất là trận Khana (Campuchia). Sau giải phóng miền Nam, ông Bè chuyển ngành làm cán bộ quản giáo cho đến khi xuất ngũ.

Đến nay ông đã làm quản trang hơn 10 năm. Ông Bè là người cao tuổi nhất, làm việc nhiệt tình, tận tụy bất kể ngày, đêm, mưa, nắng. Ông Bè nói: “Chứng kiến nhiều lần thân nhân liệt sĩ đến tìm mộ, khi tìm được, họ vui, mình cũng vui. Có trường hợp không tìm thấy mình động viên họ kiên trì chờ đợi. Cùng chiến đấu, chứng kiến đồng đội hy sinh, giờ làm quản trang gặp thân nhân liệt sĩ không tìm được mộ, tôi thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ”. Ông Bè kể về việc mình được tiếp nhận làm việc tại nghĩa trang: “Tôi biết nhiều liệt sĩ nằm đây từng là đồng đội cùng sống, chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh và nước bạn Campuchia, nhiều người khi còn sống biết tôi. Bởi thế, mồng 1 tết năm 2005, tôi đến thắp hương, khấn xin các liệt sĩ phù hộ cho sức khỏe và được đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh làm việc để chăm sóc đồng đội. Khoảng 1 tháng sau, tôi vô cùng sung sướng khi biết mình được tiếp nhận vào nghĩa trang làm việc. Hiện nay, tôi được hưởng cuộc sống tự do, yên bình, chăm sóc phần mộ đồng đội theo ý nguyện là vui rồi”.

Những vòng tay ấm áp

Ông Nguyễn Thiện Tính, Trưởng ban quản trang Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cho biết: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh rộng 12,5 ha, sức chứa khoảng 7.000 ngôi mộ, trong đó mộ đã có hài cốt 4.000, mộ có danh 1.309, còn lại là mộ chưa xác định được danh tính. Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của liệt sĩ 63 tỉnh, thành, đa số ở miền Bắc. Mỗi năm nghĩa trang tiếp nhận khoảng 200 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh và chiến trường Campuchia. Hiện nghĩa trang có 3 nhân viên làm việc theo hợp đồng 68, 2 người theo thời vụ và là thương binh hạng 4/4, 2/4.

Ngoài công việc phát, nhổ cỏ, cắt tỉa cây cảnh, cây bóng mát, nhân viên quản trang còn tiếp đón, hướng dẫn, giúp đỡ thân nhân, gia đình, các đoàn đại biểu đến viếng và tìm kiếm mộ liệt sĩ, trực quản trang 24/24 giờ. Mùa mưa công việc vất vả do cây, cỏ mọc nhanh, anh em phải làm liên tục. Sang mùa khô thì làm nhiệm vụ tưới cây. Khi được yêu cầu, quản trang còn giúp thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang ở quê nhà thuận lợi... Đặc biệt vào dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm anh em còn trang hoàng nghĩa trang, cắm cờ, hoa, quét dọn, thêm và thay cát, nhổ chân nhang...

 Tuy công việc không nặng nhọc nhưng do nhiều nhân viên quản trang tuổi cao nên 2 năm trở lại đây, tỉnh đã phân công một số khu mộ và vườn cây cảnh cho các cơ quan, đơn vị cùng chăm sóc. Vì nhiều lý do, chỉ cận ngày diễn ra sự kiện các đơn vị mới đến chăm sóc và cũng chưa cùng nhau phối hợp nhịp nhàng nên hiệu quả chăm sóc không cao.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, tôi gặp vợ chồng anh Phan Ngọc Hưng và chị Nguyễn Thị Hoa, quê huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Tuệ là cha ruột, hy sinh năm 1970, an táng tại lô B1, hàng 1, mộ 34. Anh Hưng nói: “Đây là lần thứ hai vợ chồng tôi vào Bình Phước thăm mộ cha. Tôi thấy nghĩa trang được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, trên vị trí cao ráo, chúng tôi rất vui vì linh hồn của cha được an ủi”.

Đứng dưới chân đài tưởng niệm ở nghĩa trang, gió từ các hướng thổi về mát rượi, mùi hương trầm thơm ngát. Hướng tầm nhìn ra xa tôi thấy những dãy đồi chạy dài bao quanh nghĩa trang giống như những vòng tay của lớp lớp thế hệ cùng chăm lo gìn giữ nơi yên nghỉ các anh hùng liệt sĩ.

Sỹ Hòa

  • Từ khóa
59206

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu