Thứ 4, 24/04/2024 02:29:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:25, 28/11/2017 GMT+7

Chuyện của muôn đời

Thứ 3, 28/11/2017 | 08:25:00 163 lượt xem

BP - Những ngày gần đây, một quy định trong Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, có hiệu lực từ ngày 5-12-2017 đang gây tranh luận trong nhân dân. Đó là quy định hộ gia đình sử dụng đất thì phải ghi tên ông/bà, sau đó là họ tên, năm sinh và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ, tiếp theo ghi thông tin về những người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất của những thành viên còn lại trong gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Xin không bàn đến vấn đề nội dung ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy là hay hay dở... Bởi mỗi góc nhìn là quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, đã trở thành quy phạm pháp luật thì cần bảo đảm những yếu tố nhất định. Ví dụ như trường hợp quy định trong Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, nếu quy định có ghi tên tuổi của những người có quyền công dân (tức có quyền) trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đồng thời phải có quy định về nghĩa vụ gắn liền với quyền ấy. Như khi sang nhượng đất phải có chữ ký của thành viên trong gia đình mới thực hiện được, thì khi trả nợ người liên quan đến tài sản ấy cũng phải có trách nhiệm. Từ khi Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ban hành, ý kiến liên quan chủ yếu đề cập tới những thủ tục hành chính phát sinh liên quan tới quyền lợi mà không đề cập tới khía cạnh này...

Trong số các nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có một nguyên tắc mà lâu nay thường bị các chuyên gia xây dựng pháp luật “quên” và được xã hội “quan tâm”, là phải bảo đảm tính khách quan. Pháp luật sinh ra do nhu cầu của xã hội, phản ánh nhu cầu khách quan của xã hội, xuất phát từ thực tế cuộc sống. Nhà nước ban hành pháp luật phải bảo đảm không chỉ ghi nhận quy luật, mà quan trọng hơn là đưa ra các chế định phục vụ sự phát triển của xã hội. Vì thế, quá trình xây dựng pháp luật phải phản ánh được những yêu cầu khách quan về sự cần thiết điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội và nội dung của các quy định đó phải phù hợp quy luật khách quan, bảo đảm phát huy vai trò tích cực của pháp luật đối với đời sống xã hội.

Về lý thuyết là như thế. Tuy nhiên, trong thực tiễn thời gian qua có cả list danh sách quy định được ban hành chưa sát với đời sống thực tiễn, trong đó đặc biệt là quy định liên quan đến vấn đề đất đai. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã đúc kết “Hôn nhân điền thổ, vạn cố chi thù”. Hiểu nôm na vấn đề hôn nhân, gia đình và đất đai là chuyện của muôn đời. Và với khoảng 70% dân số còn sinh sống ở nông thôn và mưu sinh liên quan đến nông nghiệp, chuyện “Hôn nhân điền thổ, vạn cố chi thù” vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Không thế mà đất nước ta đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa (sẽ sử dụng ít đất đai) nhưng vấn đề tích tụ ruộng đất được “nâng lên đặt xuống” bao nhiêu năm đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh, mới đây nhất khi sửa đổi Hiến pháp 2013 cũng được thảo luận, rồi đến sửa đổi Luật Đất đai sau đó tiếp tục được đưa ra rồi rút lại cũng bởi nó quan trọng, nó liên quan đến sinh kế, sinh hoạt hằng ngày của hàng chục triệu người dân.

Ghi tên tuổi trên cuốn “sổ đỏ” chỉ có vài dòng và mất vài phút là xong. Nhưng xin các chuyên gia xây dựng pháp luật hãy hết sức thận trọng, bởi chuyện “Hôn nhân điền thổ, vạn cố chi thù”, đến nay vẫn còn “nóng” lắm.

Trần Phương

  • Từ khóa
108765

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu