Thứ 6, 29/03/2024 07:35:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:16, 20/02/2016 GMT+7

Đầu năm nói chuyện chữ nghĩa

Thứ 7, 20/02/2016 | 09:16:00 2,336 lượt xem

BP - Có nhiều bạn trẻ ngày nay thắc mắc: Tại sao người ta lại nói ngày tư ngày tết và tết nhất là gì, ý nghĩa ra sao? Và còn nhiều câu Hán - Việt liên quan đến ngày tết mà giới trẻ ngày nay không hiểu. Chữ tết là do chữ “tiết” mà ra. Ngày xưa một năm chia ra làm 24 tiết: Lập xuân, vũ thủy, kinh trập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, tiểu thử, đại thử, lập thu, xử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng, lập đông, tiểu tiết, đại tiết, đông chí, tiểu hàn và đại hàn. Kể từ năm 1911, người Trung Quốc quy định âm lịch chia ra làm 4 tiết. Người nông dân cũng nương vào đấy để làm ruộng theo từng mùa: lấy tết Nguyên Đán làm xuân tiết, tết Đoan Ngọ làm hạ tiết, tết Trung Thu làm thu tiết và lấy ngày đông chí làm đông tiết. Một năm cứ tuần tự như vậy mà trôi qua nên người ta gọi là tự tiết. Chữ “tự tiết” là chữ Hán sau được gọi nôm na là ngày tư ngày tết hoặc tư tết và vắn tắt là tết.

Ngày tết còn gọi là chánh đán, xuân nhật hoặc tiết nhật. Hai chữ “tiết nhật” sau nói lại thành tết nhất và đặc biệt tết nhất còn có thêm ngụ ý than thở đối với việc lo toan vất vả ngày chuẩn bị tết hoặc ngụ ý châm biếm. Trần Tế Xương đã dùng hai chữ này trong bài Sắm tết như sau:

Tết nhất năm nay khéo thật là!/ Một mâm mứt rận mới bày ra/ Xanh đồng thắng lại đen rưng rức/ Áo đẹp bò ra béo thực thà/ Kẹo chú Sìu (Triều) Châu đâu đọ được/ Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa/ Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt/ Lại rưới thêm vào tí nước hoa.

Nói đến ngày tết thì phải nói đến ngày ba mươi tết mà tên chữ gọi là trừ nhật, tức là cái ngày trừ hết cái cũ để thay bằng cái mới. Nguyên tục bên Trung Quốc xưa, cứ về chiều tối hôm ấy người ta dùng 120 đứa trẻ độ 9, 10 tuổi mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi vừa đánh để trừ đuổi ma quỷ nên gọi là trừ tịch. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có câu đối như sau:

Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới/ Sáng mùng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào.

Còn ở nước ta mỗi phường 10 em, 15 em hoặc 5, 3 em kết hợp lại với nhau thành “Phường xúc xắc xúc xẻ”. Từ Nghệ Tĩnh vào miền Nam người ta gọi là “phường sắc bùa”. Em đi đầu cầm một ống nứa hay tre dài, trong đựng mấy đồng xu, vừa đi vừa xóc thành tiếng “xúc xắc”. Một em đi sau cầm mấy nén hương. Các em đi chúc tết các gia đình, đến trước cửa nhà em đi đầu gõ ống nứa xuống đất rồi đồng ca những câu vè:

Súc sắc súc sẻ/ Nhà nào còn đèn còn lửa/ Mở cửa cho anh em chúng tôi vào/ Bước lên giường cao thấy con rồng ấp/ Bước xuống giường thấp thấy con rồng chầu/ Bước ra đằng sau thấy nhà ngói lợp/ Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm/ Ông sống một trăm thêm năm tuổi lẻ/ Vợ ông sanh đẻ những con tốt lành/ Những con như tranh, những con như rối

Đến đúng nửa đêm hôm ba mươi, sang ngày mồng một là lễ đón giao thừa.

Tục ngày xưa tin rằng có 12 vị hành khiển luân phiên coi việc nhân gian: hết năm cũ, sang năm mới thì ông thần nọ bàn giao công việc cho ông thần khác nhận việc ấy. Vị hành khiển nào cũng có tên riêng với vương hiệu hay còn gọi là “Đương niên chi thần”  và mỗi vị có một vị phán quan làm phụ tá, hành khiển có ông thiện, có ông ác dâng sớ trên giáng họa cho dân: hạn hán, lụt lội, mất mùa... cho nên lễ cúng lúc nửa đêm giao thừa, cúng để tiễn ông cũ và đón ông mới (tống cựu nghinh tân). Cũng trong tục xưa, người ta làm lễ cúng đốt pháo tre để trừ ma:

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế/ Phù đào vạn hộ cánh tân xuân/ (Pháo trúc nổ ran, năm cũ chạy/ Đào đem xuân mới đến muôn nhà)

Trước ngày tết, người ta cũng trang hoàng nhà cửa, dán câu đối đỏ và tranh hai vị thần (thần Đồ và thần Uất Lũy) để trị quỷ dữ. Các cụ ngày xưa cho rằng gọi là “Thần Đồ” thì không được thanh nhã nên đổi thành “Thần Trà”. Còn những câu đối chúc đơn giản hơn như: Ngũ phúc lâm môn, tam dương khai thái hoặc là đông thành Tây Tựu.

Ngũ phúc lâm môn (năm phúc tới nhà) là lời chúc cho nhà được “phú, quý, thọ, khang, ninh” tức giàu sang, sống lâu khỏe mạnh và đất bình yên.

Tam dương khai thái là lời chúc đầu năm xin cho tháng giêng, tháng đầu xuân mở khí thái hòa. Tam dương là chỉ tháng giêng. Người biết trong năm có 6 âm và 6 dương, từ đông chí đến tháng 11 là nhất dương sinh, tháng 12 là nhị dương sinh, tháng giêng là tam dương sinh...

Đông thành tây tựu là lời chúc cho được mùa màng, xuân làm được nên, thu cho được mùa. Đông chỉ mùa xuân vì đông thuộc mộc mà mộc thì chỉ có hoa, cỏ xanh tốt. Tây chỉ mùa thu vì mùa thu thuộc kim mà kim thì có sắc bạch (màu trắng). Câu đối trên còn có ý chúc cho cả kẻ tới lui mua bán dù ở phương Đông hay Tây cũng đều thành tựu cả.

Sang đến sáng mồng một Nguyên đán (Nguyên là đầu tiên, đán là buổi sáng). Người ta cũng gọi là nguyên nhật tức là ngày đầu tiên trong năm. Các nhà nho thường khai bút cho giờ linh thiêng ấy.

Về truyện 7, 8 ngày tết, truyện của Đông Phương Sóc chép về tuế thời viết rằng: “Trời đất lúc sơ khai, ngày thứ nhất thì có gà, ngày thứ nhì thì có chó, ngày thứ ba thì có lợn, ngày thứ tư có dê, ngày thứ sáu có Ngựa và ngày thứ tám thì có lúa. Trong 8 ngày đó ngày thứ bảy là ngày linh, người ta còn gọi là nhân nhật. Sau ngày nhân nhật người ta hạ cây nêu, hết tết. Cuộc sống trở lại bình thường theo thứ tự của từng thời tiết. Trước cảnh hoa mai xinh đẹp, rực rỡ giờ đang tan tác rụng, vương nhai tức cảnh sinh tình làm thơ:

TỐNG XUÂN TỪ

Nhật nhật nhân không lão/ Niên niên xuân cánh quy/ Tương hoan hữu tôn tửu/ Bất dụng tích hoa phi.

Dịch:

LỜI TIỄN XUÂN

Mỗi ngày mỗi một thêm già/ Năm này năm khác xuân qua lại về/ Vui cùng chén rượu hả hê/ Cần chi luyến tiếc hoa kia rơi tàn.

Thanh Duy

  • Từ khóa
91863

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu