Thứ 5, 25/04/2024 23:49:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:30, 05/07/2015 GMT+7

Chuyện “Cây khế” và nỗi đau thời hiện đại

Chủ nhật, 05/07/2015 | 08:30:00 2,672 lượt xem
BP - “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc” hay “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”… là điều mọi người đều hiểu và hướng đến. Tuy nhiên, ở đời vẫn có những anh chị em ruột không yêu thương, đùm bọc nhau khiến nhiều người nghĩ ngay đến chuyện cổ tích “Cây khế”. Thời hiện đại không cư xử như chuyện cổ tích với niềm tin “ở hiền gặp lành” và kẻ ác sẽ bị thế lực siêu nhiên trừng trị mà chính người trong cuộc “tự xử”, gây ra bao cảnh đau lòng, nhà tan cửa nát...

Anh em tương tàn

Cách đây gần 2 năm, ngày 26-7-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Đinh Xuân Cường (SN1974), ngụ phường An Lộc, thị xã Bình Long 14 năm tù về tội giết người. Người chết không ai khác chính là anh trai Cường - Đinh Xuân Trường (SN1972). Chỉ vì nhậu rồi lời ra tiếng vào mà hai anh em xông vào đánh nhau. Trong lúc vật lộn, Cường được vợ kéo ra, liền chạy vào nhà lấy búa đinh ra đập liên tiếp vào đầu khiến anh trai gục trong vũng máu. Thấy anh nằm bất động nhưng Cường vẫn bỏ mặc để đi ngủ. Do mất nhiều máu lại bị chấn thương sọ não nên Trường đã tử vong.

Còn chiều 21-11-2014, đúng ngày giỗ đứa con trai lớn chết vì ung thư thì người mẹ (85 tuổi) Lương Thị Mễ ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đau đớn đến ngất lịm khi 2 người con trai của bà đâm nhau khiến 1 đứa chết.

Ngày 9-12-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Chuân (27 tuổi), ngụ xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập 7 năm tù về tội “Giết người”. Phạm Văn Chuân và Phạm Văn Chuẩn (24 tuổi), em ruột Chuân, quê Nam Định vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp với nghề thuê lại vườn điều để chăm sóc, thu hoạch hạt điều. Chiều 16-2-2013, trong lúc cả hai cùng dọn vườn thì xảy ra xích mích về việc Chuân không cho em trai mình đốt lá điều trong vườn. Sau đó hai anh em xông vào đánh nhau nhưng được mọi người can ngăn nên Chuân bỏ về rẫy của mình. Khi Chuân bỏ đi thì Chuẩn lấy xe máy đuổi theo tiếp tục gây sự và Chuẩn dùng tay, gậy đánh trúng vào đầu anh trai gây chảy máu. Chuân vào trong chòi lấy một con dao rựa chạy ra chém nhiều nhát chí mạng, khiến Chuẩn tử vong sau đó.

Ngày 28-6-2015, Công an huyện Đức Linh (Bình Thuận) bắt khẩn cấp Hoàng Đức Hậu (29 tuổi), ngụ thôn 9, xã Đức Tín, huyện Đức Linh để điều tra về tội giết em ruột. Chiều ngày 27-6, Hoàng Đức Hậu và em trai Hoàng Phi Long (27 tuổi) do mâu thuẫn trước đó nên xảy ra xô xát. Hậu đã dùng dao Thái đâm trúng tim em trai khiến Long chết trên đường đi cấp cứu.

Cũng chỉ vì tài sản

Tôi đi dự rất nhiều phiên tòa và nhận thấy, nếu được hóa giải sớm mâu thuẫn gia đình ngay từ khi mới manh nha thì đã không có thảm cảnh đau lòng xảy ra. Nhiều lý do rất “lãng nhách” nhưng người trong cuộc cố chấp lại không được giải tỏa nên “cái xảy nảy cái ung”. Lý do nữa là một số gia đình chưa quan tâm đúng mức trong giáo dục các giá trị truyền thống cho con em. Nền tảng đạo đức, chuẩn mực gia đình có nguy cơ bị phá vỡ. Do vậy, những tệ nạn xã hội đã len lỏi rồi âm ỉ hủy hoại từng gia đình.

Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Văn phòng luật sư Dương Chí ở phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài 

Anh em tàn sát nhau nhiều nhất vẫn là vì tài sản. Do mâu thuẫn liên quan đến thừa kế đất đai, ngày 19-4-2013, Bùi Trần Định (SN1947) đã dùng dao bầu đâm em gái là Bùi Thị Nhài (SN1956) 11 nhát, dù được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thường Tín (Hà Nội) nhưng nạn nhân đã tử vong.

Ngày 30-9-2014, anh Nguyễn Văn Kỳ (33 tuổi), trú thôn 9, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bị chính em ruột Nguyễn Văn Lê (27 tuổi) dùng kéo đâm chết. Cũng trong ngày này, ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, do không bằng lòng với phần đất cha mẹ để lại, vợ chồng Danh Thanh Phương (38 tuổi) nhiều lần cãi nhau với vợ chồng người anh là Danh Thanh Hậu (41 tuổi). Mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm, dẫn đến sáng 29-9-2014, vợ chồng anh Hậu trên đường đi làm đồng về bị vợ chồng Phương đón đường sát hại. Bi kịch “huynh đệ tương tàn” đã đẩy 6 đứa trẻ của 2 gia đình vào cảnh bơ vơ, cùng cực. Một bức tranh u tối cho lòng đố kỵ của những con người xem trọng vật chất mà quên đi tình thâm.

Nhưng xót xa nhất vẫn là vụ hai anh em Lê Văn Trai và Lê Văn Cường ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre giết nhau vì món nợ 50 ngàn đồng.

Còn Nguyễn Văn Sáu, 43 tuổi (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng ăn năn, thất thần khi nhìn người thân và đứa con trai mới 2 tuổi. Bởi trước đó, trong một phút nóng giận, ông ta trở thành kẻ tội đồ với cả dòng họ khi ra tay tước đi mạng sống của em trai. Em chết, ông vào tù khiến 2 gia đình tan nát, đau đớn chưa biết bao giờ nguôi. Cơn cớ dẫn đến cảnh “nồi da nấu thịt” là do Sáu và em ruột là Nguyễn Văn Lịch, 39 tuổi được cha mẹ chia đất thừa kế nhưng không thống nhất được cách chia.

Phải giải quyết mâu thuẫn từ khi manh nha

Ngay từ sáng sớm ngày 29-4-2014, nhà ông Nguyễn Hữu Phúc (SN1959) khá đông vì ông Phúc làm cơm giỗ mẹ. Cúng xong, mọi người chuẩn bị hạ cỗ thì Nguyễn Hữu Tiến - con út ông Phúc mới đến. Nguyễn Hữu Thịnh là con thứ tư của ông Phúc hậm hực, buông lời trách móc nên anh em to tiếng với nhau. Đến lúc ăn cơm, mọi người xếp Tiến ngồi cùng mâm với Thịnh với mong muốn anh em làm hòa. Không ngờ hai bên lại tiếp tục lời qua tiếng lại rồi không kiềm chế được cơn nóng giận, Thịnh đâm một nhát chí mạng vào bụng em trai. Giá như mỗi bên hiểu được “một sự nhịn, chính sự lành” thì đã không có mất mát quá lớn, ngày giỗ mẹ lại chính là ngày giỗ của em út.

Thực tế đáng buồn cũng đang nói lên rằng, những chuẩn mực đạo đức, ứng xử truyền thống vốn được xem là tốt đẹp trong gia đình đang bị vật chất làm lu mờ. Người ta đề cao giá trị đồng tiền, cổ súy lối sống thực dụng nên đã xem nhẹ tình cảm ruột thịt, tạo nên sự lệch chuẩn trong xã hội.

Thực tế, hiện giá trị đạo đức truyền thống trong xã hội ở nhiều góc độ đang bị xói mòn mạnh mẽ đã tác động không nhỏ lên những mối quan hệ trong gia đình. Khi các mối quan hệ gia đình không được xây dựng theo chuẩn mực và giá trị tốt đẹp thì cách hành xử của mỗi thành viên trong từng gia đình sẽ bị tác động nhiều hơn từ cái xấu. Chính vì thế, để tạo nên tình cảm yêu thương gia đình thì cần nhiều yếu tố nhưng hóa giải sớm những mâu thuẫn gia đình, là điều không thể xem nhẹ. Nếu mâu thuẫn gia đình được xử lý dứt điểm khi mới manh nha thì sẽ không bao giờ bùng phát và rồi để lại hậu quả nghiêm trọng, để lại những thảm cảnh đau lòng.       

An Nhiên

 

  • Từ khóa
51834

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu