Thứ 3, 23/04/2024 16:20:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:32, 21/11/2017 GMT+7

Chuyện bình thường và điều bất thường

Thứ 3, 21/11/2017 | 08:32:00 88 lượt xem
BP - Ngồi đợi bay tại Sân bay Nội Bài vào thành phố Hồ Chí Minh hôm đó, tôi tình cờ gặp một người cùng làng. Chị hơn tôi một tuổi, con cái ra riêng hết, ruộng vườn cũng ít nên chị đi giúp việc. Vừa kết thúc một “hợp đồng” cho người làng ở Hà Nội, chị được chủ nhà “tiến cử” vào trông cháu cho người thân ở quận Tân Bình (Sài Gòn).

Thật tình cờ, hai chúng tôi bay cùng chuyến của hãng Vietjet Air lúc 11 giờ trưa. Vì ít di chuyển bằng đường hàng không nên gặp tôi chị mừng húm. Gần tới giờ ra máy bay vẫn không thấy nhân viên mở cửa. Chờ thêm lúc nữa thì hãng thông báo “vì lý do kỹ thuật, chuyến bay hoãn đến 14 giờ”. Lập tức, khu phòng chờ của Vietjet ồn ào lên. Những tiếng lầm bầm xen lẫn tiếng thở dài: Biết ngay mà, “thằng” Vietjet này lúc nào chẳng chậm! Thêm vài tiếng văng tục, chửi thề, nhưng rồi không khí cũng nhanh chóng bình thường trở lại. Một vài người mang đồ ăn ra ăn, vài người nữa phải “cắn răng” vào căn-tin sân bay ăn. Chị em tôi cũng gọi hai suất cơm với giá gấp hơn hai lần bên ngoài. Đến gần 14 giờ thì lại được thông báo hoãn, lần này do “máy bay đến trễ”. Không khí phòng chờ lúc này ồn ào hơn, tiếng chửi thề to hơn.

Thấy tôi đặt hành lý xuống ghế, chị hỏi đi đâu? Tôi bảo phải gặp người quản lý để hỏi cho ra nhẽ, không lẽ cứ đợi thế này? Chị níu lấy tay tôi, bảo thôi kệ em ơi. Em có nói gì thì máy bay cũng đã đến đâu, cũng phải ngồi chờ mà người ta thêm ghét. Thôi thiên hạ sao mình vậy. Mua vé giá rẻ thì phải chịu thôi! Tôi nhìn quanh, những người vừa tỏ thái độ bực dọc giờ đã bình thản ngồi cắm cúi vào điện thoại hoặc ngủ gà ngủ gật. Ừ nhỉ, “cả làng” trễ chuyến chứ đâu mình tôi. Thế là tôi tặc lưỡi ngồi xuống, cũng lấy điện thoại ra chat. 

Câu chuyện tôi vừa kể rất bình thường, ai cũng có thể từng trải qua. Nhưng ngẫm ra mới thấy cái sự bình thường ấy là không bình thường, bởi dường như người ta đã quá quen với việc “tặc lưỡi” chịu đựng những điều phi lý. Và đó mới là điều đáng lo ngại. Từ bản thân, tôi có thể đoán chắc rằng trước những tình huống tương tự, số lần bạn “tặc lưỡi” là đa phần. Vì sao ư? Đơn giản là vì tặc lưỡi có vẻ dễ hơn và khi ấy mình thuộc về số đông. Chẳng cần ai dạy, tôi cũng tự biết cách tặc lưỡi thỏa hiệp, nhất là trong một xã hội mà từ xa xưa người ta đã luôn nhắc nhau “một điều nhịn, chín điều lành”. Cứ im lặng bỏ qua có vẻ như là cách ứng xử được ưa chuộng nhất, dễ được lòng nhất.

Nhớ thời bao cấp, thứ gì cũng phân phối bằng tem phiếu. Đến nước mắm cũng trở thành hàng xa xỉ, mà cũng chỉ công chức nhà nước mới có tiêu chuẩn. Tôi thường được bà thím nhờ đi xếp hàng mua thực phẩm theo tem phiếu vào những ngày chủ nhật. Xù đầu tóc, đứt nút áo mới mua được vài bìa đậu phụ và lít nước mắm. Thế nhưng chẳng bao giờ cái can 1 lít được đong đầy. Thấy cô mậu dịch ăn bớt ngay trước mắt, ai cũng ấm ức nhưng không ai dám lên tiếng. Bây giờ nước mắm không còn khan hiếm nên không ai còn ăn bớt nữa, nhưng người ta lại tặc lưỡi trước rất nhiều điều phi lý khác. Có lần trên xe buýt, tôi nhìn thấy một toán ba thanh niên móc túi. Hai tên lợi dụng xe thắng gấp giả vờ đổ nhào vào một người đàn ông phía trước để tên thứ ba móc chiếc bóp trong túi quần người đàn ông này. Việc đó diễn ra ngay trước mắt nên tôi nhấp nhổm định đứng lên nói cho người đàn ông biết. Ngay lập tức, ánh mắt sắc lạnh cùng mũi dao lấp ló trong tay áo của một trong hai tên đang xô đẩy người đàn ông đã kéo tôi ngồi xuống. Một chút ê chề nhưng tôi tự nhủ, ai vào hoàn cảnh của tôi cũng sẽ như thế. Phải giữ được tính mạng mình rồi mới giúp người được.

Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường. Rất nhiều mặt trái của nó đã khiến không ít người trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với những vấn đề của người khác. Đó có thể là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến lợi ích, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của những người xung quanh. Căn bệnh vô cảm, coi như “không nghe, không thấy, không biết” đang ngấm ngầm làm băng hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta. Tôi nhớ đã đọc trên một trang mạng về kết quả khảo sát của một tổ chức quốc tế có tên Gallup cách đây mấy năm về mức độ cảm xúc của người dân các nước. Theo kết quả này thì người Việt Nam ở vị trí thứ 13 trong danh sách các quốc gia “vô cảm” nhất thế giới.

Và tôi nhớ lại giây phút ê chề của mình khi để mặc người đàn ông bị móc bóp trên xe buýt; nhớ cái níu tay “thôi kệ” của người đồng hương ở sân bay. Cả tôi, cả chị và nhiều người nữa đang hằng ngày, hằng giờ tự đánh mất những điều tốt đẹp mà vẫn dửng dưng coi đó là chuyện bình thường. Và đó mới là điều bất thường.

Thảo Linh

  • Từ khóa
59888

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu