Thứ 5, 25/04/2024 07:00:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:07, 14/09/2017 GMT+7

Chuyện bình thường, có gì mà rộn!

Thứ 5, 14/09/2017 | 08:07:00 3,628 lượt xem

BP - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay đã qua đi trong không khí phấn khởi của người dân vì được nghỉ tới 3 ngày và thời tiết cũng rất đẹp. Đất nước yên bình, lòng người thơ thới. Và đã thành quy luật, khi đời sống được nâng lên thì chỉ cần được nghỉ làm việc vài ba ngày là từ thành thị đến nông thôn, số đông nhân dân lại có nhu cầu đi du lịch. Vậy nên, dịp nghỉ lễ Quốc khánh, các điểm du lịch đều đông kín người. Thế nhưng có một việc, dù nhỏ cũng đã làm vẩn đục bầu không khí tươi vui, rộn ràng của dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Đó là việc ông giáo sư Tương Lai chọn đúng ngày 2-9 để lên đài Á Châu Tự do - một hãng truyền thông nổi tiếng về chống cộng ở nước ngoài, tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giáo sư Tương Lai tên thật là Nguyễn Phước Tương, sinh năm 1936 tại Thừa Thiên - Huế. Trước đây, ông Tương Lai từng có một quá trình trung thành với lý tưởng đã lựa chọn là đi theo Đảng, ít nhiều đã có những cống hiến cho cách mạng. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như: Viện trưởng Viện xã hội học kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học, thành viên tổ tư vấn Chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Thế nhưng, vì nhiều lý do, ông ta đã dần đánh mất mình. Nhiều năm qua, ông ta ra sức cổ xúy cho cái gọi là “Giá trị dân chủ, nhân quyền” phương Tây; kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam. Ông Tương Lai còn tích cực tham gia các hội, nhóm núp bóng “xã hội dân sự” với các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước như tham gia cùng Nguyễn Quang A, Hoàng Tụy - những kẻ tự xưng “nhà dân chủ” sáng lập ra cái gọi là “Viện nghiên cứu phát triển - IDS” với mục đích hướng đến thay đổi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, âm mưu lật đổ chế độ tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, ông Tương Lai còn thường xuyên có những bài viết, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông, báo chí nước ngoài bằng các luận điệu xuyên tạc tình hình tự do dân chủ, nhân quyền trong nước, tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam...

Thực ra, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, tổ chức nào và ở đâu cũng đều có vào có ra, có kết nạp, có khai trừ hoặc tự nguyện xin ra khỏi tổ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện tham gia, hoặc thấy bản thân không còn xứng đáng. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam không là ngoại lệ. Đối với Đảng, hằng tháng có tới cả chục ngàn đơn tình nguyện gia nhập. Dù những người tình nguyện thỏa mãn các tiêu chí khắt khe của Đảng nhưng vẫn phải chờ được thử thách và xem xét. Hằng năm cũng không ít người bị khai trừ vì vi phạm các quy định của Đảng. Tất nhiên, cũng có những kẻ bất mãn, giận dỗi rồi tuyên bố ra khỏi Đảng. Đó là chuyện bình thường, Đảng vẫn mạnh bởi hầu hết đảng viên đều khát khao cống hiến.

Trước ông Tương Lai, cũng có hàng chục người “tai to mặt lớn” tuyên bố ra khỏi Đảng và giới “dân chủ” được phen hí hửng cho rằng Đảng đã suy yếu. Tháng 12-2013, Đặng Xương Hùng, từng là cán bộ Văn phòng Đảng ủy Bộ Ngoại giao viết đơn xin ra khỏi Đảng. Đầu năm 2014, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch UBMTTQVN thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyên bố ra khỏi Đảng. Và đúng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2-2016, giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên cán bộ Đại học Xây dựng cũng tuyên bố ra khỏi Đảng... Và còn một số tên tuổi khác do bất mãn trong quá trình công tác hoặc bị các thế lực phản động lôi kéo, tẩy não đã tuyên bố ra khỏi Đảng. Như đã nói ở trên, việc vào hay ra khỏi một tổ chức là quy luật của sự đào thải, một điều hết sức bình thường. Đối với Đảng ta - một tổ chức với hàng triệu đảng viên thì việc xin ra khỏi Đảng của một vài cá nhân sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến sức mạnh hay ý chí thống nhất của tổ chức hùng mạnh này, thậm chí họ ra khỏi Đảng còn làm cho Đảng trong sạch, mạnh hơn lên. Điều đáng nói là những người có tên tuổi trong bộ máy của Đảng, Nhà nước do bất mãn, bị dụ dỗ, lôi kéo và ngộ nhận nên không còn tin tưởng vào Đảng lại chọn những thời điểm nhạy cảm như dịp Quốc khánh, kỷ niệm ngày thành lập Đảng rồi lên các báo, đài lề trái để tuyên bố này nọ nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Với việc chọn ngày Quốc khánh để tuyên bố ra khỏi Đảng của giáo sư Tương Lai, việc làm cho dư luận chú ý chính là vị giáo sư này có những mối liên hệ mật thiết với các thế lực thù địch bên ngoài và số đối tượng chống đối trong nước với mưu đồ hình thành xã hội dân sự, từng bước thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Vì vậy, ông Tương Lai được đồng bọn tung hô lên tận mây xanh. Các “nhà dân chủ” lên mạng hò hét ầm ĩ và cho rằng đây là dấu hiệu “suy yếu, tan rã của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Bên cạnh hiện tượng xin ra hoặc tuyên bố từ bỏ Đảng, hiện nay còn có tình trạng một số đảng viên vì những bất mãn cá nhân hoặc thất bại trong công việc, trong gia đình, không thỏa mãn với hiện tại nên thường có những phát ngôn, bình luận thiếu ý thức chính trị, thậm chí ngông cuồng. Họ thấy đảng viên, tổ chức đảng ở nơi này nơi kia “không vừa mắt” mình thì không góp ý xây dựng chân thành mà thường lên mạng xã hội nói xấu, khích bác. Trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, họ không tìm cách để lý giải một cách khách quan, công tâm hoặc đóng góp để cải thiện tình hình mà lại bình luận theo kiểu quy chụp hiện tượng thành bản chất, cho rằng Đảng bao che, dung túng cho những thói hư tật xấu của đảng viên. Họ phủ nhận tất cả thành tựu mà Đảng, Nhà nước đã nỗ lực giành được và chính bản thân họ cũng đang được hưởng những thành quả đó. Vì thế, các cấp ủy đảng cần nắm bắt tình hình tư tưởng của đảng viên để kịp thời cung cấp thông tin, nhắc nhở, giải thích để cán bộ, đảng viên nhận rõ bản chất của sự việc. Đừng vì sự non nớt chính trị hoặc thích biểu hiện cái tôi cá nhân mà tham gia bình luận, cổ xúy cho những hành vi có hại cho Đảng, cho đất nước.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2673

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu