Thứ 5, 18/04/2024 18:19:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:46, 18/01/2018 GMT+7

Chuyển biến từ điểm sáng chấp hành pháp luật

Thứ 5, 18/01/2018 | 07:46:00 2,031 lượt xem
BP - Sau 5 năm (2012-2017) triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư, UBMTTQVN tỉnh lấy việc xây dựng điểm sáng về chấp hành pháp luật ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh là hoạt động trọng tâm, thường xuyên và là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của nhân dân.

Nhiều mô hình tự quản hiệu quả

Năm 2012, từ 10 mô hình điểm về điểm sáng chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư của cấp tỉnh (gọi tắt là điểm sáng chấp hành pháp luật) với 128 thành viên tham gia, đến năm 2017, toàn tỉnh đã phát triển và nhân rộng được 243 điểm, gồm 4.148 thành viên. Trong đó, cấp tỉnh xây dựng được 11 điểm; cấp huyện xây dựng 48 điểm; cấp xã 184 điểm. Mỗi điểm sáng chấp hành pháp luật có từ 7-15 thành viên. Hằng tháng, các điểm sáng tổ chức những hoạt động trọng tâm như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, nước sạch và vệ sinh môi trường, đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, khiếu nại, tố cáo...

UBMTTQVN huyện Lộc Ninh phối hợp bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia

Ông Nguyễn Tấn Phú, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBMTTQVN tỉnh cho biết: Một số điểm sáng chấp hành pháp luật có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đạt kết quả thiết thực. Điển hình như thôn Bình Tân, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) với đặc thù có nhiều đồng bào là tín đồ tôn giáo, Ban điều hành thôn, Ban công tác mặt trận thành lập 2 tổ nòng cốt là “Tổ đạo Phật”, “Tổ đạo Công giáo” phối hợp các chức sắc tôn giáo tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật định kỳ 2 lần/tháng và lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong dịp lễ, hội của các tôn giáo. Thôn Tân Hưng, xã Bù Nho (Phú Riềng) tổ chức tuyên truyền lưu động ở tổ, xóm về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm, các giải pháp ngăn ngừa và phòng, chống tội phạm. Nhóm nòng cốt của khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang (Phước Long) gắn tuyên truyền, vận động tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên trong thôn với việc vận động người dân không phá rừng lấy gỗ; giúp đỡ, giới thiệu thanh niên trong thôn vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tại địa phương với mức thu nhập ổn định, qua đó hạn chế được tình trạng tụ tập của các nhóm thanh, thiếu niên trong thôn.

Một số điểm sáng chấp hành pháp luật đã gắn tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân với xây dựng nông thôn mới và giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, như: Từ năm 2013-2017, nhóm nòng cốt ấp Ruộng 2, xã Tân Quan (Hớn Quản) vận động nhân dân trong ấp đóng góp 20 triệu đồng làm 1,2km đường giao thông nông thôn; làm sân bê tông trị giá 20 triệu đồng; hiến đất làm đường liên tổ ấp 4, trị giá hơn 200 triệu đồng; sửa 1,8km đường. Ngoài ra, nhóm nòng cốt ấp Ruộng 2 phối hợp Đoàn thanh niên huyện xây dựng 1 cây cầu trị giá 140 triệu đồng; xây dựng 1,6km đường giao thông trị giá 1 tỷ 200 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 393 triệu đồng...

Và những khó khăn, vướng mắc

Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án, việc tuyên truyền, phổ biến, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; việc triển khai thực hiện một số đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật còn chậm, gặp khó khăn; công tác phối hợp thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở chưa đồng bộ; việc phối hợp giữa MTTQ, tư pháp, công an về thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; kinh phí xây dựng tủ sách pháp luật chưa được quan tâm đầu tư. Nguyên nhân là do một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện cho MTTQ trong tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật; việc bố trí kinh phí thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thiếu, chưa kịp thời, nhất là kinh phí thực hiện các đề án; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tuy được quan tâm tập huấn về nghiệp vụ nhưng còn hạn chế về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nghiên cứu tài liệu; việc cập nhật thông tin, đặc biệt là các quy định pháp luật mới chưa được thường xuyên; việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, nhất là ở các khu dân cư chưa hiệu quả; hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên bị hư hỏng...

UB MTTQVN tỉnh tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường và chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ làm công tác mặt trận thôn, ấp, khu phố năm 2017

Để đề án đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Tấn Phú, Ủy viên Ban Thường trực, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBMTTQVN tỉnh kiến nghị, trước hết phải có sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các cấp ủy đảng và sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp giữa chính quyền các cấp và tổ chức thành viên của MTTQ, nhất là hỗ trợ kinh phí. Việc triển khai đề án của MTTQ phải gắn với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, các quy ước, hương ước ở khu dân cư và với công tác hòa giải ở cơ sở. Trong các cuộc họp của ban công tác mặt trận và chi hội đoàn thể ở khu dân cư phải thường xuyên đưa nội dung tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật vào sinh hoạt, tuyên truyền, vận động các hộ dân không vi phạm pháp luật. Nội dung và hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn, đối tượng. Ngoài thực hiện tuyên truyền, phổ biển pháp luật như hiện nay, cần tổ chức tuyên truyền theo từng đối tượng, trong đó chú trọng và phát huy vai trò của người đứng đầu các họ tộc, chức sắc tôn giáo, già làng, người có uy tín để vận động nhân dân chấp hành pháp luật, nhất là những người chậm tiến, vi phạm pháp luật ở địa phương.

T.Phước

  • Từ khóa
1399

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu