Thứ 5, 25/04/2024 06:26:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:47, 29/08/2015 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và những điểm mới

Thứ 7, 29/08/2015 | 06:47:00 289 lượt xem

BP - LTS: Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đó là phương hướng và kế hoạch khái quát của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định những vấn đề chung, như: Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học, thời lượng của từng môn, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc... Dưới đây, Báo Bình Phước xin giới thiệu về những vấn đề mà phụ huynh và học sinh quan tâm, như: Mục tiêu, lộ trình thực hiện và những môn học mới được quy định trong chương trình này.

MỤC TIÊU VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo. Cụ thể:

Đối với cấp tiểu học, giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu và phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực được nêu trong mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học THCS.

Học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung trong lễ khai giảng năm học 2014-2015 - Ảnh: Sỹ Hòa

Đối với cấp THCS, giúp học sinh duy trì và nâng cao yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Đối với cấp THPT nhằm giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp THCS; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Về lộ trình triển khai thực hiện chương trình mới: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội yêu cầu: Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT. Do đó, Bộ GD-ĐT xây dựng lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới như sau: Năm học 2018-2019, thực hiện ở các khối lớp 1, lớp 6 và 10;  Năm học 2019-2020 ở lớp 2, lớp 7 và 11; Năm học 2020-2021 ở lớp 3, lớp 8 và 12; Năm học 2021-2022 ở lớp 4, lớp 9; Năm học 2022-2023 ở lớp 5.

Theo đó, sau mỗi năm học và sau khi đã triển khai áp dụng ở tất cả các lớp của mỗi cấp học, chương trình được đánh giá và tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm sự phù hợp của chương trình với đặc điểm và nhu cầu phát triển xã hội và cá nhân học sinh, đảm bảo chương trình vừa ổn định vừa phát triển, góp phần triển khai thực hiện chương ở mỗi lớp học, cấp học đạt hiệu quả tốt nhất.

MÔN HỌC MỚI TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Chương trình giáo dục phổ thông mới có các môn học với tên gọi mới nhưng thực chất là các môn học có nội dung kế thừa chương trình hiện hành và bổ sung các nội dung mới hoặc tích hợp, lồng ghép các nội dung liên quan trong một môn học. Cụ thể là ở cấp tiểu học, môn học có tên gọi mới là: Cuộc sống quanh ta (từ lớp 1 đến lớp 3). Môn học này có nội dung vừa kế thừa chương trình môn Tìm hiểu tự nhiên và xã hội trong chương trình hiện hành, vừa bổ sung và phát triển theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Môn thứ hai là Giáo dục lối sống (từ lớp 1 đến lớp 5). Môn học này vừa kế thừa nội dung chương trình môn giáo dục đạo đức của chương trình hiện hành vừa phát triển, bổ sung, thiết kế lại theo yêu cầu mới. Tiếp nối môn học này ở bậc THCS là môn Giáo dục công dân.

Ở cấp THCS, môn học mới gồm: Thứ nhất là môn Khoa học tự nhiên với cấu trúc nội dung tích hợp các chủ đề của các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn được sắp xếp sao cho vừa bảo đảm liên hệ theo logic tuyến tính vừa tích hợp đồng tâm, hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Môn học mới thứ hai là Khoa học xã hội, với cấu trúc nội dung tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo...

 Môn học mới ở cấp THPT gồm: Thứ nhất là môn Công dân với Tổ quốc. Môn học này bao gồm các nội dung chủ yếu là giáo dục nhân cách công dân và giáo dục về quốc phòng - an ninh. Môn thứ hai là Khoa học xã hội (dành cho học sinh lớp 10 và 11 theo định hướng khoa học tự nhiên, không học các môn Lịch sử, Địa lý). Môn học này gồm các nội dung tuyến tính hoặc đồng tâm xoáy ốc với cấp THCS, nhằm trang bị kiến thức cơ bản nhất, liên hệ mật thiết với sự phát triển của xã hội và cuộc sống hiện thực, cần thiết cho tất cả mọi người. Môn thứ ba là Khoa học tự nhiên (dành cho học sinh lớp 10 và 11 theo định hướng khoa học xã hội, không học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất, có tính nguyên lý chung nhất của giới tự nhiên cần thiết cho tất cả học sinh theo định hướng nghề nghiệp ở bất kỳ nhóm ngành nào để duy trì phát triển ở mức cao hơn trên nền hiểu biết rộng.  Thứ tư là môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây là hoạt động giáo dục mới của cả 3 cấp học, được phát triển từ các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa của chương trình hiện hành, được thiết kế thành các chuyên đề tự chọn nhằm giúp học sinh phát triển các năng lực, kỹ năng, niềm tin, đạo đức... nhờ vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo thông qua các hình thức và phương pháp chủ yếu như: thực địa, tham quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động...

N.N

  • Từ khóa
85362

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu