Thứ 6, 19/04/2024 22:30:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:14, 06/03/2018 GMT+7

Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ 3, 06/03/2018 | 06:14:00 198 lượt xem
BP - Bình Phước có diện tích mặt nước tương đối lớn với khoảng 28.300 ha, trong đó mặt nước sông, suối, kênh gần 7.200 ha, số còn lại là ao, hồ... Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân trong tỉnh phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên các lòng hồ, sông, suối. Để nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả cao thì việc khai thác, đánh bắt thủy sản hợp lý sẽ góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Tiềm năng dồi dào

Địa bàn tỉnh có 3 con sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai và Sông Bé chảy qua; ngoài ra còn có 3 hồ chứa thủy điện lớn là Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng cùng 60 hồ chứa từ các công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ. Đây là lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, trong đó nuôi thủy sản trong lồng bè trên hồ chứa chiếm một phần rất quan trọng. Những năm qua, hoạt động nuôi thủy sản trong lồng bè chủ yếu tập trung ở các hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Tân Lập và hồ thủy lợi Phước Hòa với nhiều điều kiện về nuôi trồng.

Thả cá giống xuống hồ thủy điện Srok Phu Miêng

Gia đình ông Đặng Văn Liên ở thôn 10, xã Đức Liễu (Bù Đăng) có 21 năm làm nghề chài lưới trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Hiện hộ ông nuôi 2 bè cá lăng nha với khoảng 5.000 con. Loài cá này ăn các loại cá nhỏ, tép, vì vậy để giảm chi phí, hằng ngày vợ chồng ông đi bắt cá sơn, cá hột mít và tôm tép trong hồ cho cá ăn. Ông Liên cho biết, một con cá lăng nha từ khi nuôi đến lúc xuất bán có trọng lượng 1,5kg sẽ ăn hết 8kg cá nhỏ, tép. Song do nhiều nguyên nhân, nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ thủy điện Thác Mơ đang bị cạn kiệt dẫn tới nguồn thức ăn cho cá nuôi cũng giảm mạnh. Vì vậy, người dân phải mua thêm cám nuôi cá, chi phí tăng nên lợi nhuận giảm theo. Mặt khác, hiện nay giá cá lăng giảm còn khoảng 65.000 đồng/kg nên nhiều hộ nuôi phải tiếp tục “dưỡng” chờ được giá mới xuất bán. Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng cùng ở thôn 10, đang nuôi 2 bè cá lăng nha với khoảng 4.000 con nhưng chưa xuất bán vì giá quá thấp. Anh Dũng nói, nếu bán sẽ lỗ vốn vì không đủ chi phí nhưng giữ lại chờ giá thì không có tiền mua thức ăn cho cá... 

Tương tự, hộ anh Nguyễn Duy Anh ở thôn Bình Tiến 1, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) nuôi 7 lồng bè cá điêu hồng và cá lăng nha. Mỗi năm, anh xuất bán tổng hơn 22 tấn cá, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Anh cho hay, cá điêu hồng nuôi rất nhanh lớn và thịt thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Mỗi lồng 25m2 nuôi một vụ kéo dài 3-4 tháng sẽ cho lợi nhuận từ 10-15 triệu đồng. Tuy vậy, thực tế người nuôi cá điêu hồng gặp rất nhiều khó khăn vì giá bấp bênh, chất lượng cá giống giảm, môi trường ô nhiễm dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao.

Bình Phước hiện có trên 40 hộ nuôi cá bè với 230 bè cá rải rác khắp các huyện, thị, trong đó huyện Bù Đăng có nhiều người nuôi nhất với 20 hộ. Mặc dù số lồng cá trên địa bàn tỉnh tăng theo các năm nhưng sản lượng chưa ổn định. Nguyên nhân do vào đầu mùa mưa lượng mùn bã hữu cơ và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị rửa trôi, chảy xuống ao, hồ, sông, suối, làm môi trường biến động, cá không thích ứng kịp dễ bị nhiễm bệnh, khiến nhiều lồng nuôi cá bị chết dẫn đến sản lượng giảm. Hơn nữa, người dân đang nuôi trồng thủy sản mang tính tự phát với hình thức sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung thành những vùng quy mô lớn nên năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, không đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Một số cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp thời điều kiện thực tiễn; sự liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu bền vững; diện tích nuôi thủy sản chưa tuân thủ quy hoạch; khả năng tích lũy vốn khó khăn nên người dân không có tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị, con giống, thức ăn. Việc áp dụng công nghệ nuôi không đồng bộ, khả năng rủi ro cao, dẫn đến phát triển thủy sản thiếu tính ổn định và không bền vững.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Theo thống kê của Trung tâm Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2014 đến nay, Bình Phước có trên 300 ngàn con thủy sản giống được thả xuống các lòng hồ có diện tích mặt nước lớn. Toàn tỉnh hiện đã có 5 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích gần 4.500 ha. Song song đó việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản hợp lý, không khai thác bằng ngư cụ cấm, hủy diệt bằng xung điện, hóa chất; không sử dụng ngư cụ như lưới mắt nhỏ, đăng chắn để khai thác tận diệt đã được thực hiện tại các làng bè, hồ chứa.

Để bảo vệ đa dạng các loài thủy sản, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020. Theo đó, chương trình được chia làm 3 dự án nhỏ, trong đó có Dự án bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản các hồ chứa lớn, phấn đấu đến năm 2020: 100% các hồ chứa lớn được phục hồi, duy trì nguồn lợi thủy sản, nâng cao dần sản lượng thông qua việc thả cá bổ sung và nuôi trồng thủy sản. Tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Thủy sản thả con giống, tạo điều kiện để thảm thực vật, rong rêu phát triển làm nguồn thức ăn cho tôm, cá. Các khu bảo vệ thủy sản là vùng cấm khai thác, tôm, cá được bảo vệ để sinh sản. Sau đó, nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm xung quanh, nơi ngư dân được phép khai thác.

Dự án được triển khai dựa vào cộng đồng, nghĩa là người dân tự thành lập và quản lý. Khi được giao quản lý diện tích mặt nước, người dân sẽ có ý thức hơn trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, thời gian tới, Bình Phước phấn đấu phát triển thủy sản theo hướng bền vững, trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập, duy trì và mở rộng hình thức nuôi, khai thác nhằm tạo thu nhập và thu hút lao động.

Gia Nghi

  • Từ khóa
42543

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu