Thứ 5, 25/04/2024 15:09:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:20, 20/01/2016 GMT+7

Chùa Sóc Lớn xứng đáng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Thứ 4, 20/01/2016 | 08:20:00 1,698 lượt xem

BP - Trong niềm vui đón tết Dương lịch 2016, tăng ni, phật tử chùa Rajamahajetavana Rama (chùa Sóc Lớn) đứng chân trên địa bàn xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) vui mừng khởi công xây dựng chánh điện. Có tuổi đời lớn nhất (85 năm), chùa Sóc Lớn còn là nơi nuôi giấu chiến sĩ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Ngày nay, sư sãi, phật tử của chùa đang cùng Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Khánh chung tay xây dựng nông thôn mới. Chùa Sóc Lớn xứng đáng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

CHÙA KHƠME LÂU ĐỜI NHẤT Ở BÌNH PHƯỚC 

Lịch sử vẫn còn ghi dấu ấn mùa hè năm 1931, tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, lúc này là tỉnh Thủ Dầu Một, cố hòa thượng Tốp Cháp đã khai hoang để xây dựng chùa Rajamahajetavana Rama - chùa Sóc Lớn. Sau 6 năm vận động nguồn lực để xây dựng (1937), chùa Sóc Lớn mới hoàn thành. Hòa thượng Tốp Cháp trụ trì chùa cho đến ngày đại lễ khánh thành kiết giới Siam năm 1954. Chùa Sóc Lớn được hòa thượng Tốp Cháp đặt tên theo tiếng Pili là Rajamahajetavana Rama. Nghĩa là chùa do Trưởng giả Cấp cô độc cùng Thái tử Kỳ Đà trong thành Ba La Nại (Ấn Độ xưa) xây dựng và dâng cúng đức Phật tại rừng thuộc hoa viên của Thái tử Kỳ Đà. Tuy nhiên, do phiên âm tiếng Ấn xưa khi đọc tên khó khăn nên phật tử Lộc Khánh bây giờ đặt tên chùa theo phum sóc là chùa Sóc Lớn.

Khởi công xây dựng chánh điện chùa Sóc Lớn

Khuôn viên của chùa Sóc Lớn bấy giờ là 42.803m2. Từ khi khởi công xây dựng đến nay chùa đã có tuổi đời 85 năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 ngôi chùa Khơme của Phật giáo Nam tông: Lộc Ninh 2 chùa là chùa Sóc Lớn (Lộc Khánh) và ấp 4 (Lộc Hưng); chùa Nha Bích (Chơn Thành) và chùa ở Đồng Xoài, với khoảng 15 ngàn phật tử, trong đó Sóc Lớn là ngôi chùa lâu đời nhất. Từ năm 1954-1973, chùa Sóc Lớn do hòa thượng Néc Khinh (SN 1906, tại Campuchia) trụ trì. Năm 1973, hòa thượng Néc Khinh viên tịnh và cũng là những năm chiến tranh ác liệt xảy ra do giặc Mỹ oanh tạc. Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng (1972) nên chùa Sóc Lớn không có người trông coi. Đặc biệt, năm 1972, chùa Sóc Lớn bị trúng bom đạn của Mỹ, chánh điện hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng cho đến ngày nay. Năm 1994, chùa do hòa thượng Lý Sang ở Sóc Trăng trụ trì. Năm 1996, hòa thượng Lý Sang khởi công xây dựng giảng đường phục vụ tăng ni, phật tử. Năm 2007, chùa tiếp tục được đại đức Thạch Sa Thuơi tạm thời trông coi.

CHÙA KHƠME DUY NHẤT ĐƯỢC CẤP BẰNG DI TÍCH LỊCH SỬ

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Khơme ở Lộc Khánh đã một lòng đi theo cách mạng. Chùa Sóc Lớn cũng trở thành địa điểm nuôi giấu nhiều cán bộ lão thành như các ông Lâm Dách; Chín Hùng (Nguyễn Văn Nồng, Đại đội trưởng C31), nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh; Phan Văn Hồng (Năm Hồng), nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện; Anh hùng Lao động Lâm Búp, nguyên Chủ tịch Mặt trận huyện... Công lao với cách mạng của người Khơme vẫn còn ghi dấu ở các địa danh Sóc Lớn, Sóc Nhỏ, Paven, Trà Đôn. Vẫn còn nhiều đảng viên lão thành với tuổi đời 80 trở lên, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo trong xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Ngày 15-12-2004, chùa Sóc Lớn vinh dự được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Phật giáo Nam tông gần gũi với đời sống của người dân nên 98% dân tộc Khơme là phật tử sinh hoạt thường xuyên ở chùa. Ngoài tín ngưỡng, chùa cũng là nơi lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khơme. Chánh điện là công trình quan trọng nhất của chùa Khơme. Chánh điện chùa Sóc Lớn do các sư, tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng, dự kiến tổng kinh phí 20 tỷ đồng, diện tích 790m2, thời gian xây dựng 5 năm.

Ngày nay, xã Lộc Khánh có hơn 40% số dân là người Khơme, sinh sống tập trung ở 3/6 ấp: Sóc Lớn, Trà Đôn và Paven. Lộc Khánh cũng là xã được Bảo tàng Bình Phước chọn và phục dựng thành công các lễ hội của người Khơme miền Đông Nam bộ như: lễ hội Xuống đồng, Phá bàu.

Ngày 17-5-2009, thượng tọa Thạch Nê (1972) tại Bạc Liêu nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sóc Lớn. Thượng tọa Thạch Nê tiếp tục vận động xây dựng trùng tu chùa. Ngày 10-10-2010, chùa khởi công xây dựng phòng học tăng xá một trệt, một lầu với diện tích 630m2, khánh thành ngày 10-1-2015. Ngày 17-3-2013, khởi công công trình nhà bếp với diện tích tầng trệt 1.100m2, tầng lửng 740m2, hiện công trình đã hoàn thành 70%. Ngoài ra, chùa Sóc Lớn còn đổ đất xây dựng sân, tường rào bao quanh.

Bên cạnh vận động xây dựng trùng tu chùa, thượng tọa Thạch Nê đã cùng Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Khánh nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào Khơme và chung tay xóa đói giảm nghèo. Tính đến tháng 12-2015, chùa đã dạy chữ cho 127 em, trong đó cho xuất gia 94 sư. Hằng tháng, chùa nhận trợ cấp cho 106 người già neo đơn nghèo, tặng 2 sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng 2 suất học bổng học sinh giỏi là người dân tộc thiểu số. Dịp hè hằng năm, thượng tọa Thạch Nê mời giáo viên từ miền Tây kết hợp với chư tăng mở 8-9 lớp học chữ Khơme cho khoảng 200 học sinh dân tộc Khơme, đồng thời tặng thưởng cho các em đạt thành tích tốt.

Phương Hà

  • Từ khóa
91713

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu