Thứ 6, 29/03/2024 19:49:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:03, 27/09/2018 GMT+7

Chữa không đúng chỗ cháy

Thứ 5, 27/09/2018 | 08:03:00 125 lượt xem

BP - Ngày 24-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT. Theo đó, để sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản để sử dụng lại lâu bền, không viết, vẽ vào sách giáo khoa. Thoạt nghe có thể thấy đây là vấn đề rất hữu ích, thiết thực trong nhà trường và hàng triệu gia đình có con em đang cắp sách tới trường. Tuy nhiên, phân tích sâu việc này cho thấy có không ít vấn đề phía sau nó.

Lần đầu tiên ngành GD-ĐT thay sách giáo khoa thống nhất trên toàn quốc là năm học 1981-1982. Lần thứ hai ngành GD-ĐT lập dự án thay sách giáo khoa năm 1993, đến năm 1996 chính thức triển khai. Năm 2008, ngành GD-ĐT triển khai thay sách giáo khoa lần thứ 3. Tại kỳ họp thứ 4 diễn ra tháng 11-2017, Quốc hội khóa XIV thống nhất điều chỉnh lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo nghị quyết đã ban hành tháng 11-2014. Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới từ năm học 2018-2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng”...

Ở góc độ thời gian, có thể thấy, trong 36 năm qua có 3 lần thay sách, bình quân 12 năm/lần - bằng đúng chu kỳ của một lần thay sách. Nói cách khác, ngành GD-ĐT triển khai thay sách vừa xong toàn bộ chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 thì... lại thay tiếp một chu kỳ mới và không năm học nào không có sách giáo khoa, chương trình giáo dục không phải thay đổi. Vì thế, chưa bao giờ học sinh và cả giáo viên có thể chắc chắn bộ sách đang cầm trên tay “thọ” được bao nhiêu năm học. Đặc biệt, những năm cuối của chu kỳ 12 năm, bộ sách càng có nguy cơ “bỏ sọt rác” bởi sẽ được thay thế bằng sách mới. Với một tâm trạng thấp thỏm như vậy, khó có thể đòi hỏi phụ huynh, học sinh và cả xã hội giữ gìn bộ sách giáo khoa được tốt để sử dụng lại.

Bên cạnh đó, ngày nay đất nước phát triển, đời sống của người dân có nhiều thay đổi. Đã qua lâu rồi thời một bộ sách mấy anh em trong nhà học chung. Ngày nay, học sinh được giáo dục nâng cao tính tự lập từ khi còn nhỏ trong gia đình và từ ngày đầu tiên bước chân đến trường, nên chúng cũng xem bộ sách là “của mình”, có “toàn quyền” quyết định về nó. Trẻ em vùng khó khăn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và có chính sách đặc thù của Nhà nước hỗ trợ. Với trẻ em, không thể vì một bộ phận nhỏ mà khép phần lớn còn lại vào khuôn khổ nếu chúng không thích. Với phụ huynh, giá một bộ cả sách giáo khoa và sách bổ trợ 14 cuốn của lớp 1, 2, 3 chỉ 95-105 ngàn đồng, lớp 4, 5 gồm 21 cuốn chỉ 160-170 ngàn đồng không đáng là bao so với khoản tiền gấp 10, 20, 30 lần họ phải đóng với nhiều khoản “trời ơi đất hỡi” mỗi đầu năm học.

Ở góc độ kinh tế, thay chương trình giáo dục, sách giáo khoa đều tiêu tốn ngân sách nhà nước chưa lần nào dưới 1 tỷ USD, trong đó 2 lần sau đều trên 2 tỷ USD. Xin nhấn mạnh đây mới là ngân sách nhà nước để thay chương trình giáo dục, thay sách giáo khoa, chưa tính số kinh phí khổng lồ người dân bỏ ra từ sự thay đổi mà mỗi lần về sau càng bị xã hội, nhà khoa học, nhà giáo phản ứng vì có nhiều lỗi, nặng nề, kém hiệu quả, lạc hậu...

Chỉ với riêng cuốn sách học sinh cầm trên tay, ngành GD-ĐT cũng đang có quá nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết ngay, nhưng dường như trong đó không có việc giữ sách sao cho sạch sẽ để sử dụng lại. Việc này giống như gãi không đúng chỗ ngứa vậy, càng gãi càng khiến chỗ ngứa thêm ngứa thêm.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu