Thứ 7, 20/04/2024 07:03:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:48, 24/10/2017 GMT+7

Chú trọng xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh

Thứ 3, 24/10/2017 | 14:48:00 170 lượt xem

BP - Thực hiện Quyết định số 440/QĐ-BNNPTNT ngày 3-2-2015 về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới đạt các yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh” và Thông tư số 14/TT-BNNPTNT ngày 2-6-2016 quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động triển khai xây dựng vùng, cơ sở ATDB trên địa bàn các huyện, thị xã và bước đầu đạt kết quả tốt. Đây sẽ là cơ sở để triển khai, áp dụng rộng rãi, đại trà trong toàn tỉnh hướng đến chăn nuôi bền vững.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 10-2017, toàn tỉnh có 571.235 con heo, trong đó chăn nuôi trong 215 trang trại với tổng 455.150 con, còn lại chăn nuôi tại 7.369 nông hộ. Tổng đàn gia cầm hiện có 3.757.061 con, trong đó chăn nuôi trang trại 2.494.848 con/82 trang trại, nuôi nông hộ 1.262.313 con/77.611 hộ. Tổng đàn trâu, bò 45.051 con, trong đó 5 trang trại nuôi 592 con, còn lại chăn nuôi nông hộ với 44.459 con/7.962 hộ.

Trại nuôi heo của người dân ở huyện Hớn Quản (ảnh minh họa)

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh những năm qua phát triển khá, nhất là quy mô trang trại, trong đó tỷ lệ gia cầm nuôi theo quy mô trang trại ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện phần lớn số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu theo chăn thả. Điều này dẫn tới nguy cơ dễ phát sinh dịch bệnh nếu không được quản lý, kiểm soát tốt.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 9-2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch lở mồm long móng típ O trên đàn bò tại 3 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Lộc Ninh. Đối với gia cầm, năm 2016 Bình Phước xảy ra 1 ổ dịch cúm A/H5N1 tại xã Tiến Hưng (Đồng Xoài). Ngành chức năng đã kịp thời khống chế ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Hiện trên đàn gia súc, gia cầm không phát sinh dịch bệnh.

Để triển khai xây dựng vùng, cơ sở ATDB, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các công ty, cơ sở chăn nuôi quy định về vùng, cơ sở ATDB, thực hiện các biện pháp, điều kiện đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu; xây dựng cơ sở ATDB; tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn thực phẩm đối với chăn nuôi; lấy mẫu xét nghiệm giám sát dịch bệnh theo quy định; thực hiện chính sách kiểm dịch động vật miễn phí theo quy định đối với cơ sở được công nhận ATDB; xây dựng kế hoạch hằng năm kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, cơ sở ATDB theo quy định...

Kết quả xây dựng cơ sở ATDB, về cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại: toàn tỉnh xây dựng 79 trại chăn nuôi gà, trong đó 37 trại được công nhận ATDB, chiếm 46,8%; xây dựng 3 trại nuôi vịt, trong đó 1 trại được công nhận, chiếm 33,3%; xây dựng 215 trại nuôi heo, trong đó 44 trại được công nhận, chiếm 20,5%. Các huyện, thị xã có nhiều trại chăn nuôi được công nhận là Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh.

Theo rà soát, tổng đàn gia cầm hiện tại của 38 trại được công nhận ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh newcastle là 1.955.848 con, chiếm 47% tổng số trang trại chăn nuôi và chiếm 52% tổng đàn gia cầm. Tổng đàn heo hiện tại của 44 cơ sở được công nhận ATDB đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo là 269.232 con, chiếm 20% tổng số trang trại nuôi và chiếm 47% tổng đàn heo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có xã đăng ký xây dựng và công nhận ATDB động vật, trong tỉnh cũng chưa có vùng chăn nuôi ATDB động vật.

Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng vùng, cơ sở ATDB trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa có kinh phí thực hiện xây dựng vùng, cơ sở ATDB trong tỉnh; chi phí xét nghiệm dịch bệnh tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi thấp đã ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi, xây dựng, thẩm định và công nhận cơ sở ATDB; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gặp khó khăn, kể cả các xã đang trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới; gia súc, gia cầm chưa được quản lý chặt chẽ; đa số chợ trên địa bàn các huyện, thị xã chưa quy hoạch được khu buôn bán gia cầm sống riêng, gây khó khăn trong quản lý, vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh...

Nam Khánh

  • Từ khóa
59775

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu