Thứ 7, 20/04/2024 23:31:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:16, 13/12/2016 GMT+7

Chú trọng kiểm điểm việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Thứ 3, 13/12/2016 | 08:16:00 17,879 lượt xem

BP - Thời điểm này, các cấp ủy đảng đang thực hiện việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình đảng viên, tập thể cấp ủy theo thông lệ vào mỗi dịp cuối năm. Đáng chú ý là năm nay, ngoài thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 25-9-2014 của Ban Tổ chức Trung ương, việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2016 còn chú trọng nhận diện và xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Trung ương đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên soi mình tự phê bình và đấu tranh phê bình.

Trước khi tổ chức kiểm điểm đảng viên thì bắt buộc phải qua “công đoạn” quần chúng góp ý cho đảng viên. Điều đó cho thấy Trung ương Đảng đã xây dựng nguyên tắc kiểm điểm phê bình phải được thực hiện dân chủ, công khai. Sự dân chủ trong Đảng không chỉ thể hiện ở việc đảng viên tự phê bình (thông qua bản tự kiểm điểm của từng đảng viên) và góp ý phê bình cho nhau một cách trực diện mà còn phải nhận được sự phê bình, góp ý từ phía quần chúng ngoài đảng.

Mục đích của kiểm điểm, phê bình, tự phê bình để đánh giá, xếp loại đảng viên và cơ sở đảng nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết của Đảng. Nhưng để đạt được mục đích đó thì phê bình và tự phê bình phải được thực hiện một cách thực chất, triệt để và có văn hóa. Thái độ văn hóa trong tự phê bình và phê bình là sự thành khẩn, trung thực và mang tính xây dựng. Để công tác đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên và tổ chức đảng đạt mục đích yêu cầu, điều đầu tiên là từng đảng viên phải có ý thức tự giác, trung thực khi viết bản kiểm điểm cá nhân, dám mạnh dạn nêu ra những mặt hạn chế của bản thân, không giấu dốt, giấu cái yếu kém của bản thân để chi bộ có kế hoạch giúp đỡ. Và khi được người khác phê bình phải biết lắng nghe và tôn trọng. Phải vui vẻ tiếp thu với thái độ cầu thị chứ không chỉ nhận lỗi qua loa hoặc tìm cách bao biện cho khuyết điểm của mình rồi lại “chứng nào tật nấy”. Đến năm sau lại “bổn cũ soạn lại”.

Hiện nay, bên cạnh những cán bộ, đảng viên mạnh dạn tự phê bình và phê bình thì vẫn còn nhiều người né tránh hoặc kiểm điểm qua loa, hình thức và thường có xu hướng đổ lỗi cho sự hạn chế về nhận thức. Nhiều người vi phạm nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản lớn của nhà nước cũng chỉ nhận khuyết điểm là hạn chế về nhận thức để trốn tránh trách nhiệm. Và khi viết bản kiểm điểm đảng viên, nhiều người tự biện hộ rằng, nếu đã nhận thấy khuyết điểm của mình thì không cần để người khác phê bình nữa nên chỉ viết chung chung, không gắn với nhiệm vụ cụ thể của mình để kiểm điểm một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó là thái độ “trông trước ngó sau”, nghe ngóng xem người khác nói gì rồi hùa theo, hoặc đón ý cấp trên để phát biểu. Nguyên nhân là vì người thì sợ ảnh hưởng đến việc thăng quan tiến chức, đến quyền lợi kinh tế; người thì sợ phê bình người khác rồi họ sẽ phanh phui những khuyết điểm của mình nên “dĩ hòa vi quý”, “mũ ni che tai”; có người sợ trù dập nên an phận, thủ tiêu đấu tranh... Bên cạnh đó, nhiều chi, đảng bộ xuề xòa chạy theo thành tích nên rất thoải mái trong việc đánh giá, xếp loại đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.

Theo Công văn số 1825-CV/BTCTW có rất nhiều yêu cầu được Ban Tổ chức Trung ương nêu ra, nếu nghiêm túc đánh giá thì sẽ giúp từng đảng viên, từng cơ sở đảng nhận ra những thiếu sót của mình để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu ngày càng tiến bộ. Bởi khi chất lượng đảng viên được nâng cao thì vai trò lãnh đạo của Đảng càng được khẳng định trong cuộc sống và Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch vững mạnh. Cũng theo Công văn số 1825-CV/BTCTW, trong quá trình kiểm điểm, nếu phát hiện tập thể hoặc cá nhân có biểu hiện nghiêm trọng về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì dừng việc kiểm điểm để kiểm tra, thanh tra, kết luận làm rõ và xử lý kịp thời theo quy định. Đối với đảng bộ, chi bộ, bổ sung nội dung về hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đảng bộ, chi bộ. Đối với đảng viên, bổ sung nội dung về kết quả khắc phục suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cá nhân.

Có thể thấy, những yêu cầu mới được bổ sung vào nội dung kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên và tổ chức cơ sở đảng năm 2016 chính là cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị vào thực tiễn sinh hoạt đảng nói chung và trong đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên cuối năm nói riêng. Qua đó nâng cao hiệu quả lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
2553

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu