Thứ 6, 19/04/2024 20:06:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:56, 27/10/2016 GMT+7

Chủ trang trại hiến kế làm nông

Thứ 5, 27/10/2016 | 13:56:00 140 lượt xem

BP - Hiện nay, có rất nhiều người làm kinh tế từ nông nghiệp thành công, trong số đó phải kể đến nhà nông Dụng Quý Đông ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng (Đồng Phú). Hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp, ông Đông đã xây dựng thành công trang trại cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP và cho thu nhập cao, ổn định. Từ kinh nghiệm của mình, ông Đông hiến kế làm giàu cho nông dân và cơ quan quản lý ngành nông nghiệp. Phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi về kinh nghiệm làm giàu từ nông nghiệp và những hiến kế của chủ trang trại này.

Ông Dụng Quý Đông trong vườn quýt sạch của gia đìnhÔng Dụng Quý Đông trong vườn quýt sạch của gia đình

P.V: Thành công lớn nhất của ông sau hơn 30 năm gắn bó với cây ăn trái là gì, thưa ông?

Ông Dụng Quý Đông: Trước đây, tôi cũng như nhiều hộ rơi vào tình trạng trồng cây có giá trị kinh tế trước mắt nên dẫn tới vòng luẩn quẩn “trồng - chặt - trồng” hoặc điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Sau nhiều lần thất bại, tôi đã nghiên cứu và định hướng canh tác lâu dài dựa trên điều kiện đất đai, khí hậu và sở trường của mình. Từ đó, tôi quy hoạch 20 ha đất tại ấp Suối Nhung để trồng cây ăn trái gồm: sầu riêng, bơ, quýt đường, măng cụt. Trong quá trình trồng, chăm sóc, tôi ghi chép cẩn thận từ cách bón phân, cắt tỉa cành, tưới nước... đến phòng trừ sâu bệnh và nguyên nhân cây chết hoặc cho năng suất kém.

Tôi tâm huyết nhất là sản xuất sạch. Vì chỉ có sản xuất sạch cây trồng mới phát triển ổn định lâu dài, sản phẩm sạch sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Sản xuất sạch là không lạm dụng thuốc trừ sâu hay chất kích thích, “thức ăn” cho cây là các chất hữu cơ. Và, sản phẩm từ nông trại đến người tiêu dùng phải qua một trung gian “sạch”. Chính những tiêu chí này mà vườn cây của tôi luôn sạch bệnh, năng suất ổn định và nông sản được người tiêu dùng lựa chọn.

P.V: Để nhân rộng mô hình này, ông có chia sẻ gì với nhà nông?

Ông Dụng Quý Đông: Hiện nay, nhiều mô hình làm nông nghiệp cho thu nhập cao như trồng rau thủy canh, trồng tiêu tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel... Tuy nhiên, trồng tiêu rủi ro cao vì bệnh, còn trồng rau thủy canh ở môi trường nào cũng làm được nên sẽ nhiều người đầu tư dẫn tới cung vượt cầu. Đối với một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, măng cụt hay quýt đường... rất ít quốc gia trồng được vì yếu tố đất đai và khí hậu nên mỗi loại trái cây mang đặc trưng riêng của từng vùng đất.

Hiện tôi quản lý 3 trang trại với diện tích 80 ha, cách nhau khoảng 100km và trực tiếp phân phối sản phẩm đến hệ thống các siêu thị nên việc mở rộng diện tích canh tác là rất hạn chế. Mặt khác, tôi cũng muốn triển khai mô hình làm trang trại của mình để người dân cùng làm giàu. Tôi đã liên kết trồng cây ăn trái trên diện tích 30 ha với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh (Tỉnh đội) bằng hình thức trang trại Quý Đông hỗ trợ cây giống, kỹ thuật; Tỉnh đội có đất và kinh phí. Sau khi cho thu hoạch tôi bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Để chuyển đổi trồng 1 ha cây ăn trái đạt tiêu chuẩn sạch cần kinh phí lớn và thời gian dài. Ví như trồng 1 ha bưởi da xanh hay măng cụt, sầu riêng đến khi thu hoạch chính mất khoảng 5-7 năm. Chi phí cho vườn cây trong thời gian này khoảng 500-600 triệu đồng. Đổi lại, chỉ cần 1-2 mùa vụ là nông dân thu cả vốn lẫn lời... Do kinh phí lớn nên ít nhà nông đáp ứng được. Để giảm kinh phí, tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cây giống và quy trình sản xuất cho nhà nông. Nhà vườn không lo đầu ra vì hệ thống siêu thị trong nước và thị trường xuất khẩu trái cây hiện rất nhiều tiềm năng.

Hiện nay, một số tỉnh đã hình thành những vùng du lịch “nông nghiệp” như Đà Lạt. Những làng hoa hay vùng trồng rau, củ, quả đều là những điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến Đà Lạt. Nếu Bình Phước hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái có tính thẩm mỹ và cho trái 4 mùa thì việc phát triển loại hình du lịch “miệt vườn” có nhiều thuận lợi và mang lại nguồn thu lớn cho nông dân và tỉnh. Tuy nhiên, để nông dân tham gia sản xuất mô hình nông nghiệp kiểu mẫu ngoài yếu tố như chất đất, khí hậu, nguồn nước thì họ phải có lòng đam mê mới mang lại sự thành công.  

P.V: Vậy trong mô hình sản xuất nông nghiệp “kiểu mẫu” như ông hiến kế thì nhà nước cần hỗ trợ nông dân những khâu nào?

Ông Dụng Quý Đông: Hiện nay, người dân trong tỉnh đang sản xuất manh mún, tự phát nên nhà nước rất khó hỗ trợ và tạo cơ chế để họ phát triển. Mặt khác, muốn xây dựng thương hiệu nông sản cũng gặp khó khăn trong khâu xây dựng chỉ dẫn địa lý... Trong những năm gần đây, nước ta đang triển khai cánh đồng mẫu lớn trong canh tác lúa hay hình thành những vùng chuyên canh cây trồng nhưng vai trò của nhà nước chưa thể hiện nổi bật.

Bình Phước có khoảng 20% diện tích đất có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn trái. Để xây dựng một vùng chuyên canh cây ăn trái cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong quy hoạch. Sau khi quy hoạch, xem xét nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có thể thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư (hầu hết diện tích có thể trồng được cây ăn trái thuộc đất lâm phần nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Mặt khác, nhà nước cũng tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần hỗ trợ nông dân quy hoạch, xây dựng những đập nước xen trong vùng đất quy hoạch trồng cây ăn trái để giữ mực nước ngầm trong đất không xuống quá thấp, đồng thời tạo nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ xây dựng đường, kéo điện cùng với sự góp vốn của nhân dân. Đây là những vấn đề tối thiểu để nông dân bước đầu xây dựng cánh đồng kiểu mẫu cây ăn trái.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nhất Sơn (thực hiện)

  • Từ khóa
40804

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu