Thứ 6, 29/03/2024 18:21:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:14, 29/03/2019 GMT+7

Chủ quan không tiêm ngừa, dịch sởi có thể bùng phát

Thứ 6, 29/03/2019 | 14:14:00 182 lượt xem

BP - Tiếp xúc với cha mẹ các bé mắc sởi/phát ban nghi sởi để khai thác bệnh, hầu hết các bậc phụ huynh đều có thái độ thiếu quan tâm đối với dịch bệnh. Một số phụ huynh tỏ vẻ khó chịu khi nhân viên y tế hỏi thăm nguyên nhân không đưa con đi tiêm ngừa, có người lảng tránh và trả lời do quên, con bệnh, không có phương tiện... Đây chính là nguyên nhân tạo “lỗ hổng” trong tiêm chủng, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nhất là vào thời điểm chu kỳ dịch hiện nay.

BIẾN CHỨNG CÓ THỂ ĐE DỌA TÍNH MẠNG TRẺ

Bé Đinh Thị Ngọc Anh, 16 tháng tuổi, ngụ ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh khám trong tình trạng sốt ngày thứ 3, ho và phát ban từ mặt ra mang tai xuống ngực, bụng, dấu hiệu điển hình của bệnh sởi. Qua khai thác, mẹ bé Ngọc Anh cho biết, bé chưa tiêm ngừa sởi, vì “cứ tới ngày tiêm là con bệnh”. Cũng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, ngày 16-3-2019 tiếp nhận bé Thị Mào (SN 2018) nhập viện cấp cứu trong tình trạng lừ đừ, ho, khò khè. Mẹ bé cho biết con đã bệnh 1 tuần, 3 ngày gần đây bé ho nhiều, phát ban toàn thân và chưa tiêm ngừa bệnh sởi. Bé Thị Mào được chẩn đoán viêm phổi do sởi và nhập Khoa Nhi theo dõi điều trị. Tuy nhiên, 5 ngày sau khi bé vừa hết phát ban thì gia đình đưa con trốn viện.

Khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa tại Trạm Y tế phường An Lộc (Bình Long)

3 mẹ con chị N.T.K.C ở phường Tân Thiện (Đồng Xoài) cũng vừa trải qua hơn nửa tháng phải ở nhà vì mắc sởi. Chị C cho biết, con trai thứ 2 đi học về bắt đầu phát ban, lây cho con trai đầu, sau đó lây sang mẹ. Thời gian bị sởi, đối mặt với từng triệu chứng của con, chị vô cùng lo lắng và cảm nhận sâu sắc tác hại của việc chủ quan không tiêm ngừa sởi cho con. Đến nay, mặc dù ban đã phát hết nhưng những vết sẹo trên mặt luôn nhắc chị về những thiếu sót của mình đối với sức khỏe của con.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 17-3-2019, toàn tỉnh có 352 ca mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, 225 ca mắc ở trẻ dưới 5 tuổi, 73 ca từ 6-14 tuổi, 54 ca từ 16 tuổi trở lên. Các địa bàn có số ca mắc tăng cao như Hớn Quản 78 ca, Phước Long 50 ca, Đồng Xoài 48 ca, Bình Long 38 ca. Hầu hết các ca mắc đều chưa tiêm ngừa sởi. Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não... có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. So với cùng kỳ năm 2018, bệnh sởi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao (cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca bệnh). Dự báo trong thời gian tới, bệnh sởi còn nhiều diễn biến phức tạp, nếu không tổ chức giám sát, cách ly tốt ca bệnh, đặc biệt là phụ thuộc rất lớn vào sự hưởng ứng của người dân đối với công tác tiêm phòng vắc-vin sởi cho trẻ trong tiêm chủng thường xuyên hay tiêm chủng chiến dịch.

CHU KỲ BÙNG PHÁT BỆNH SỞI

Theo Bộ Y tế, trong năm 2018 và đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó xảy ra ở một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Ukraine, Đức, Nga, Hoa Kỳ...). Tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10-2018, tính đến đầu năm 2019 ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm. Các trường hợp mắc bệnh sởi tập trung chủ yếu tại miền núi, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu do việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4-5 năm.

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 7-3-2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số 431/SYT-NVY để triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng hướng dẫn hiện hành về phòng, chống dịch. Phát hiện sớm và điều trị tích cực trường hợp diễn biến nặng, chú ý đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.

Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó giám đốc Sở Y tế khuyến cáo: Do tình hình bệnh sởi thời gian qua có diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao đột biến so với những năm trước, ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống như tăng cường quản lý đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, tiêm đủ mũi vắc-xin sởi/sởi - rubella cho các đối tượng (trẻ 9 tháng và trẻ 18 tháng). Đồng thời cuối năm 2018, đầu năm 2019 đã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 7 huyện, thị xã của tỉnh. Kết quả có hơn 45.000 trẻ được tiêm vắc-xin trong chiến dịch. Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch bệnh sởi hiệu quả, ngành y tế khuyến cáo nhân dân, nhất là cha mẹ có con nhỏ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi, vắc-xin sởi - rubella cần tiêm đủ mũi và đúng lịch. Trẻ lớn và người lớn có thể tiêm phòng vắc-xin sởi, sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Phương Dung

  • Từ khóa
62042

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu