Thứ 6, 19/04/2024 12:31:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 14:03, 25/11/2015 GMT+7

DẤU ẤN SỰ KIỆN

Chủ nhân cuối cùng của bãi đá cổ Stonehenge

Thứ 4, 25/11/2015 | 14:03:00 270 lượt xem
BPO - Một thế kỷ trước, luật sư người Anh Cecil Chubb tới buổi bán đấu giá nhằm mua vài chiếc ghế cho bàn ăn tối. Ấy thế mà ông lại trở về nhà cùng với một thứ vô cùng đồ sộ - bãi đá cổ Stonehenge.

Món quà tặng vợ

Giống với những tín đồ săn đồ cũ có mặt tại Nhà hát Palace ở thành phố Salisbury vào buổi chiều ngày 21/9/1915 đó, Cecil Chubb cũng tìm kiếm cho mình một món hời. Vị luật sư 39 tuổi giàu có này muốn mua tặng vợ một bộ ghế để ngồi ăn tối. Song mọi thứ đã thay đổi khi người điều khiển cuộc đấu giá Howard Frank giới thiệu về “món đồ” số 15: Bãi đá Stonehenge rộng 12,14 hecta.

Ông Chubb và vợ.

Có lẽ thật khó để hình dung ra việc một bãi đá thời tiền sử, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1986, lại có thể đem ra rao bán như một món hàng. Thế nhưng, đó chính là điều đã xảy ra với mảnh đất thuộc quyền sở hữu của Nam tước Edmund Antrobus sau cái chết của ông. Khi người chủ trì Frank ra giá khởi điểm cao chót vót là 5.000 bảng Anh, không mấy ai tỏ ra háo hức.

“Chắc chắn ai đó sẽ trả tôi 5.000 bảng”, Frank xướng lên sau khi được chào đón bởi sự im lặng. Nhìn chăm chú vào đám đông, cuối cùng Frank cũng thở phào khi trông thấy một bàn tay giơ lên. Mức đấu giá được nâng lên 6.000 bảng rồi lại rơi vào một khoảng lặng khác. “Nào các quý ông, không thể định giá của Stonehenge được. Chắc chắn 6.000 bảng là một cái giá quá bèo, tuy nhiên nếu không còn ai trả cho tôi cao hơn, tôi sẽ bán nó ở mức này. Còn ai ra giá cao hơn cho Stonehenge không?”, Frank kêu gọi.

Chubb đã làm thế. Khi người chủ trì giáng búa xuống bàn để chốt quyết định, kỳ quan cổ xưa Stonehenge được bán với giá 6.600 bảng Anh (hơn 1 triệu USD thời điểm hiện tại). Stonehenge trở thành món quà bất ngờ mà Chubb đem về tặng vợ.
Luật sư Chubb, sinh ra và lớn lên chỉ cách Stonehenge khoảng 5 km, trả lời phỏng vấn một tờ báo địa phương rằng ông không có chủ đích mua di tích từ thời đồ đá này, mọi thứ đều bất chợt nảy ra. “Lúc ở trong phòng đấu giá, tôi nghĩ một người đàn ông Salisbury nên mua nó và đưa ra quyết định”, Chubb kể lại.

Tặng lại người dân Anh

Stonehenge - vốn trở thành tài sản cá nhân sau khi vua Henry VIII tịch thu nó từ một tu viện vào khoảng năm 1540 - rõ ràng cần được trùng tu khẩn cấp vào thời điểm mà Chubb mua nó. Bởi lẽ từ thời La Mã, công trình cổ này đã thu hút nhiều du khách hiếu kỳ tới chiêm ngưỡng. Các vị khách tham quan thường mang theo đục để lấy các mảnh nhỏ từ các tảng đá cổ hoặc khắc tên họ ngay trên đá làm kỉ niệm.

Năm 1900, một tảng sa thạch lớn và một thanh đá nằm ngang bị sụp xuống đất nên người ta phải dựng các thanh gỗ chống lấy các khối đá khổng lồ. Từ đó, gia đình của Nam tước Antrobus - chủ nhân của Stonehenge từ đầu những năm 1800 - đã quyết định dựng hàng rào xung quanh rồi thu phí tham quan là 1 đồng shilling để lấy tiền thuê người bảo vệ và phục dựng di tích này. Tháng 10-1914, con trai duy nhất của nam tước hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Bốn tháng sau đó, ông cũng qua đời. Vợ ông đem hàng ngàn hecta đất của gia đình, trong đó có Stonehenge, đi bán đấu giá.

Chính phủ Anh trùng tu bãi đá.

Thời điểm đó, nhiều nhà bảo tồn cho rằng bãi đá cổ này nên được bàn giao cho chính phủ Anh để giữ gìn, song nó lại tiếp tục thuộc sở hữu cá nhân của luật sư Chubb. Được biết, do vợ của Chubb, bà Mary không mấy thích thú trước món quà này nên Chubb đã dễ dàng trao tặng lại Stonehenge cho chính những người dân Anh vào tháng 10-1918.

Chubb viết trong thư: “Với tôi, người sinh ra gần Stonehenge và tới thăm chốn này trong suốt thời thơ ấu bất kể ngày hay đêm, trong mọi điều kiện thời tiết… bãi đá luôn có một sức lôi cuốn khó tả. Tôi trở thành chủ nhân của nó với niềm vui sâu sắc và đã dự tính rằng đó sẽ là một tài sản được coi trọng của gia đình trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, nó cũng đè nặng lên tôi suy nghĩ rằng đất nước này cần có nó cho riêng mình”. Ông đưa điều kiện kèm theo rằng những người dân sống gần bãi đá cổ phải được miễn phí vé tham quan nơi đây.

Để đền đáp tấm lòng hào phóng, Chubb được phong tặng tước hiệu “Nam tước thứ nhất của Stonehenge”. Còn người dân yêu mến gọi ông là “Tử tước Stonehenge”, một danh hiệu cao hơn nam tước. Tới nay, gần 30.000 người trong số 1,3 triệu du khách tới thăm Stonehenge hàng năm được miễn phí vé tham quan dựa theo nguyện vọng của người chủ nhân cuối cùng.

Năm 1919, một năm sau khi tiếp nhận quyền quản lý Stonehenge, chính phủ Anh đã tiến hành một cuộc đổi mới sâu rộng lại diện mạo của khu di tích bao gồm việc dựng thẳng các khối đá và cố định chúng bằng bê tông. Trong gần một thế kỷ, công tác trùng tu vẫn được tiếp tục với việc phá bỏ các điểm tham quan và các con đường được dựng lên từ thời xưa cũ để trả lại cho Stonehenge vẻ đẹp cổ kính nguyên thủy của nó.

Nguồn TTXVN 

  • Từ khóa
66275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu