Thứ 6, 29/03/2024 17:56:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:12, 23/05/2018 GMT+7

Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời

Thứ 4, 23/05/2018 | 08:12:00 131 lượt xem

BP - Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22-5-1946 - 22-5-2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Trong thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thực hiện tốt nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”; nâng cao năng lực chủ động ứng phó của người dân, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai, góp phần phát triển đất nước bền vững.

Những năm qua, nước ta phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai với cường độ lớn, phạm vi rộng và để lại hậu quả nặng nề. Riêng năm 2017, thiên tai làm 386 người chết và mất tích; 596.305 căn nhà bị đổ sập, cuốn trôi, hư hại; 69.757 con gia súc, 2 triệu con gia cầm bị chết; 1.586km đường giao thông và 6,88 triệu mét khối đất đá bị sạt lở... Tổng thiệt hại ước tính hơn 60 ngàn tỷ đồng.

Ở Bình Phước, ngay từ tháng 2-2018 đến nay, người dân các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bù Đốp đã liên tục hứng chịu những cơn mưa trái mùa kèm theo lốc xoáy làm hàng ngàn trụ tiêu, cây cao su, điều bị gãy đổ và hàng chục căn nhà bị sập, tốc mái. Thiên tai không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà còn ảnh hưởng đến đời sống, môi trường sản xuất - kinh doanh, mục tiêu giảm nghèo và chỉ số tăng trưởng kinh tế.

Nhằm kịp thời ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2018. Theo đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức diễn tập về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu dưới nhiều hình thức cho các tầng lớp nhân dân; phối hợp với các công ty cổ phần thủy điện thực hiện tốt quy trình vận hành liên hồ chứa; tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động các hồ chứa trước, trong và sau mùa mưa lũ... Các lực lượng vũ trang duy trì chế độ trực, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên các kênh truyền thông, đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và hệ thống loa truyền thanh địa phương để chủ động phòng ngừa khi thời tiết có diễn biến bất thường. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, tu sửa nhà cửa, bảo vệ tốt các công trình xây dựng để hạn chế tối đa thiệt hại khi có sự cố xảy ra; tăng cường kiểm tra hệ thống điện trong nhà và ngắt tất cả thiết bị điện khi mưa lớn để không xảy ra chập điện, gây cháy nổ, làm ảnh hưởng đến tính mạng con người; gia cố chuồng trại chăn nuôi, bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm. Các hộ có cây lớn trong vườn cần chặt, tỉa, giới hạn chiều cao đề phòng sấm sét. Sơ tán người già và trẻ em đến các ngôi nhà kiên cố, không ở trong những căn nhà tạm bợ hay trú ẩn dưới tán cây, cột điện... khi trời mưa lớn kèm theo giông, sét, lốc xoáy. Những hộ trồng cây ăn trái, tiêu, điều... không nên để cây, trụ quá cao và phải chằng buộc, gia cố, bảo đảm an toàn khi giông, lốc xoáy xảy ra...

Lâm Phương

  • Từ khóa
108874

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu