Thứ 6, 29/03/2024 19:01:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:09, 24/02/2016 GMT+7

Chủ động phòng chống hạn hán

Thứ 4, 24/02/2016 | 09:09:00 122 lượt xem

BP - Ngay từ đầu năm 2016, nước ta liên tiếp hứng chịu các thiên tai cực đoan. Trận rét kỷ lục trong vòng 60 năm ở phía Bắc đã làm chết hàng chục ngàn con gia súc, 15.000 ha rừng bị thiệt hại... Miền Trung thì đối phó với tình hình hạn hán và nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải gồng mình chống hạn, xâm nhập mặn. Hàng trăm ngàn héc ta lúa của nông dân bị vàng khô dưới nắng hạn và sự xâm nhập mặn. 

Chưa bao giờ ĐBSCL lại gặp hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và khắc nghiệt như hiện nay. Không chỉ cây trồng bị chết mà người dân nhiều nơi đang thiếu nước sinh hoạt. Ở khu vực Tây Nguyên, hạn hán đang bước vào cao điểm. Theo dự báo, mùa khô sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 5. Do đó, tình hình hạn hán tại khu vực Tây Nguyên sẽ còn diễn biến phức tạp. Đối với các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước, nằm trong vùng khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và có sự phân hóa sâu sắc theo mùa. Khí hậu của vùng tương đối điều hòa, ít xảy ra thiên tai. Tuy nhiên về mùa khô, lượng mưa thấp, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Các chuyên gia dự báo, mùa khô 2015-2016 tại khu vực Nam bộ sẽ hết sức đáng lo ngại về các yếu tố: Nền nhiệt độ tăng, lượng mưa thấp, khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Có 3 nguyên nhân gây ra hạn và xâm nhập mặn nặng nề cho ĐBSCL. Đó là, hiện tượng El nino 2014-2016 có cường độ lớn và kéo dài nhất trong 60 năm qua. Nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 đến 1,5 độ, lượng mưa thấp hơn nhiều năm 30-50%. Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 20-50%. Lũ năm 2015 ở ĐBSCL nhỏ, do đó khô hạn gay gắt ngay trong nửa năm đầu 2016 và xâm nhập mặn đã xảy ra sớm.

Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn khu vực, ngoài xâm nhập mặn, mùa khô ở miền Nam trong đó có các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Vì vậy, các địa phương khi triển khai sản xuất nông nghiệp cần xem xét nguồn nước ngọt để chủ động đáp ứng được cho mùa vụ, sẵn sàng đối phó với khô hạn. Điều này đang vô cùng cần thiết cho tỉnh Bình Phước, là địa phương có diện tích sản xuất cao su, tiêu, cà phê, điều, cây ăn trái... ngày càng mở rộng nhưng nguồn nước vẫn không tăng, khiến cho mùa khô càng trở nên quá tải, rất dễ dẫn đến hạn nặng.

Mặc dù mới vào đầu mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh một số hồ chứa thủy lợi có mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở một số khu vực dự kiến sẽ khó bảo đảm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 58 công trình thủy lợi với năng lực tưới thiết kế chỉ đạt 11% nhu cầu tưới cho các loại cây trồng.

Từ thực tế đó, các cấp, ngành cần chủ động đề ra kế hoạch phòng chống hạn, không để tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt rồi mới “chống”. Ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở những nơi nguồn nước bị cạn kiệt, sau đó mới phục vụ tưới tiêu. Đối với những nơi không có công trình thủy lợi, thủy điện, các địa phương tuyên truyền cho nhân dân tiết kiệm và dự trữ nước phục vụ sinh hoạt; tập trung chăm sóc cây ngắn ngày và có biện pháp chống hạn cho các loại cây trồng lâu năm, hạn chế nắng nóng và bốc hơi nước nhằm giảm tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu