Thứ 5, 25/04/2024 02:11:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:48, 20/08/2014 GMT+7

Chốt sơ cứu ban đầu chưa được đầu tư đúng mức

Thứ 4, 20/08/2014 | 08:48:00 242 lượt xem
BP - Trên địa bàn tỉnh có hơn 300 chốt sơ cứu ban đầu của hội chữ thập đỏ, trong đó 78 chốt sơ cứu trọng điểm. Các chốt hoạt động trên tinh thần tự nguyện của hội viên chữ thập đỏ các cấp và đã sơ cứu kịp thời nhiều ca tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, làm giảm thiểu đáng kể số ca tử vong hoặc tai biến trước khi chuyển tới cơ sở y tế. Tuy nhiên, những chốt sơ cứu ban đầu trên địa bàn tỉnh vẫn còn sơ sài, chưa được đầu tư đúng mức.

HẠN CHẾ TAI BIẾN

Tình nguyện làm thành viên của chốt sơ cứu bên cầu 38 gần 20 năm, ông Nguyễn Văn Tuân (55 tuổi) ở thôn 5, xã Đức Liễu (Bù Đăng) không nhớ chính xác số lượt người được gia đình sơ cứu ban đầu khi gặp tai nạn. Trong số đó có khoảng 60% ca chấn thương sọ não, gãy tay, chân và 10% tử vong. Nhiệm vụ của ông cùng thành viên trong gia đình là sơ cứu vết thương, băng bó, nhanh chóng tìm hiểu thông tin cá nhân rồi chuyển đến cơ sở y tế và bảo vệ tài sản cho người bị nạn.

Tủ thuốc chốt sơ cứu của ông Nguyễn Văn Tuân chỉ có bông băng, gạc và ít lọ thuốc sát trùng

 
Bà Hồ Thị Hoa, chủ chốt sơ cứu điểm ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) cho biết: Do đoạn đường có khúc cua tay áo nhưng người tham gia giao thông không chú ý quan sát mà thường phóng nhanh, vượt ẩu dẫn đến tai nạn, nhất là vào ban đêm. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 20 vụ tai nạn xe máy nhưng hầu hết đều được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng tới tính mạng. Có lần tôi phải huy động thêm người để kéo xe và người từ dưới suối lên (bên cạnh khúc cua là con suối - PV).

Đến giờ, bà Hoa vẫn nhớ hai cha con ở xã Đức Liễu (Bù Đăng) bị té xuống suối khi ghé thăm con dâu ở ấp Cầu Hai. Do không quen đường nên khi gặp khúc cua đã không kịp xử lý dẫn đến cả xe và người lao xuống suối. Sau khi kéo được người ra khỏi chiếc xe máy, bà Hoa sát trùng vết thương, cho nạn nhân uống thuốc giảm đau rồi điện cho người thân đến chuyển đi bệnh viện. Một lần khác, đã hơn 23 giờ bỗng nghe tiếng “rầm”, bà Hoa chạy ra và thấy một người đàn ông có hơi men đang nằm giữa đường. Bà Hoa vội kéo chiếc xe máy ra và sơ cứu rồi tìm cách liên lạc với người thân của nạn nhân, sau đó chuyển tới cơ sở y tế. Những trường hợp được bà Hoa sơ cứu ban đầu đều không có tai biến đáng tiếc.

Bà Nguyễn Thị Ân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đồng Tiến cho biết: Hoạt động của các chốt sơ cứu ban đầu đem đến nhiều tiện ích cho hội và người dân, giúp nhiều người bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu rủi ro.

NHƯNG DỤNG CỤ SƠ SÀI

Không có kinh phí hỗ trợ, nhiều năm qua, tủ thuốc chốt sơ cứu của ông Tuân chỉ là những lọ thuốc sát trùng, bông băng, gạc và những cái nẹp đơn giản. Ông Tuân cho biết: Số vụ tai nạn giao thông ở đoạn cầu 38 xảy ra thường xuyên nên tủ thuốc gia đình ông không đáp ứng đủ. Tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí hoạt động nhưng rất khó. Bởi thế, gia đình trang bị được cái gì thì sử dụng và chỉ sơ cứu rồi chuyển tới cơ sở y tế.

Thông tư số 17/2014/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-8-2014 quy định, các chốt sơ cứu chữ thập đỏ phải được đặt tại địa điểm thuận tiện giao thông, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện các hoạt động sơ cứu khi có tai nạn xảy ra. Điểm sơ cứu chữ thập đỏ phải được bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất như có địa điểm cố định, phòng sơ cứu tối thiểu 6m2, có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ, số điện thoại liên lạc thường xuyên... Bên cạnh đó, điểm sơ cứu cũng phải có các trang thiết bị sơ cứu như bộ nẹp, bông băng, băng ga rô, cồn sát trùng, gạc, túi cứu thương, cáng cứu thương...

Chốt sơ cứu trọng điểm ở ấp Cầu Hai cũng chung tình trạng sơ sài về trang thiết bị, dụng cụ y tế, không bảng hiệu, không biểu tượng chữ thập đỏ và không tủ thuốc. Bà Nguyễn Thị Ân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đồng Tiến thừa nhận: 3 chốt sơ cứu trên địa bàn xã đều thiếu trang thiết bị y tế và sử dụng những dụng cụ sơ sài. Ngoài bông băng, gạc cá nhân tự sắm, nếu cấp trên hỗ trợ mua các thiết bị như biển báo, tủ thuốc, kéo, găng tay, các dụng cụ chuyên dụng khác sẽ giúp hoạt động ở các chốt hiệu quả hơn.

Ông Trịnh Xuân Tĩnh ở ấp 3, xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) cho biết: “Tự nguyện lập điểm chốt sơ cứu ban đầu và được Ban chấp hành Hội chữ thập đỏ xã đồng ý nhưng tôi cũng chỉ chuẩn bị được bông băng, gạc và một số thuốc giảm đau... Còn bảng hiệu, tủ thuốc và những thiết bị y tế khác thì không đủ tiền mua. Do đó, khi có tai nạn xảy ra chúng tôi chỉ xử lý ban đầu rồi chuyển tới các cơ sở y tế”.

Bà Vũ Thị Huyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tiến Hưng cho rằng: Không chỉ xã Tiến Hưng mà nhiều chốt sơ cứu trên địa bàn tỉnh đều hoạt động trên tinh thần tự phát, tự nguyện nên cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thô sơ. Nơi thì thiếu tủ thuốc, nơi thiếu bảng hiệu và nhiều dụng cụ y tế chuyên dùng khác. Đa phần những thành viên chốt sơ cứu ban đầu đều sử dụng tủ thuốc gia đình để phục vụ công tác sơ cứu.

C.Liên

  • Từ khóa
49689

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu