Thứ 3, 16/04/2024 13:56:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:37, 22/11/2018 GMT+7

Chống tham nhũng là công việc thường xuyên của Đảng

Thứ 5, 22/11/2018 | 09:37:00 1,298 lượt xem
BP - Trong thời gian qua, với quyết tâm cao độ, cuộc chiến chống tham nhũng mà chúng ta tiến hành đã và đang đạt được những kết quả rất quan trọng, từng bước làm trong sạch bộ máy của cả hệ thống chính trị, củng cố niềm tin và tình cảm của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, phòng, chống tham nhũng là việc làm thường xuyên của nhà nước, của đảng cầm quyền. Với Việt Nam, đó là thực tiễn gắn liền với sự ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng, không phải là “mất bò mới lo làm chuồng” như bọn phản động rêu rao.

Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” năm 1947, Bác Hồ đã chỉ rõ, bệnh tham ô, hủ hóa là kẻ thù của cách mạng và mỗi cán bộ, đảng viên. Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (1-1994), Đảng ta nhận định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Năm 2006, Đảng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chương trình hành động phòng, chống tham nhũng. Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII tiếp tục nhấn mạnh nguy cơ tham nhũng và khẳng định: “...tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Đặc biệt, Đại hội XI đã quyết định chuyển Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng trong đấu tranh với tham nhũng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành các quy định về: Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; giám sát trong Đảng; xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến, xây dựng, ban hành nhiều dự án luật tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cuộc chiến chống tham nhũng của đất nước.

Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay của Đảng được nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Chưa bao giờ đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại cam go, phức tạp và cũng chưa bao giờ, cuộc đấu tranh đó lại thu hút dư luận, tạo đồng thuận cao trong xã hội như hiện nay. Cam go, phức tạp, quyết liệt vì liên quan đến mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi lực lượng; truy xét từ cán bộ, đảng viên từ cấp cơ sở đến cấp cao, thậm chí cấp cao cũng có. Tính chất vi phạm của các vụ việc ngày càng được mở rộng đấu tranh, từ tham nhũng vặt, nhũng nhiễu nhân dân và doanh nghiệp đến tư túi hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng; hành vi tham nhũng rất tinh vi, khó nhận diện.

Thứ ba, Đảng ta triển khai cuộc chiến phòng, chống tham nhũng rất căn cơ, bài bản, có lộ trình, bước đi vững chắc, không nóng vội, chủ quan, song cũng không do dự, trì hoãn, mà quyết đoán, có tình có lý, làm cho đối tượng vi phạm phải tâm phục, khẩu phục. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp phản ánh của báo chí và dư luận, Đảng nắm được thông tin, song không nóng vội, quy kết mà tuần tự chỉ đạo thẩm tra, xác minh, làm rõ. Khi có chứng cứ, Đảng mới chỉ đạo các khâu, các bước với lộ trình chặt chẽ, cụ thể, chắc chắn. Như vụ án Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ nguồn tin báo chí cung cấp, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan có liên quan vào cuộc, điều tra làm rõ. Kết quả điều tra kết luận bà Thoa mắc hàng loạt vi phạm. Sau đó, Trung ương đã thi hành kỷ luật khiển trách về Đảng, Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn nhiệm chức vụ với bà Thoa.

Thứ tư, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đang triển khai đều phù hợp với thông lệ, luật pháp và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, như Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, hoặc các hiệp định thương mại thế hệ mới... Trong Lời nói đầu - Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng viết “Ghi nhớ rằng việc ngăn ngừa và xóa bỏ tham nhũng là trách nhiệm của các quốc gia và rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp tác, với sự hỗ trợ và tham gia của các cá nhân và các nhóm ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng nếu nỗ lực của họ trong lĩnh vực này có hiệu quả”. Như vậy, việc Đảng ta mạnh tay với nạn tham nhũng là việc làm phù hợp luật pháp quốc tế, không phải là hoạt động đấu đá nội bộ, phe cánh triệt tiêu lẫn nhau như những luận điệu xuyên tạc rêu rao. Đây là các luận điệu nhằm mục đích nhiễu loạn thông tin, gây cho người dân cái nhìn phiến diện, méo mó về cuộc chiến chống tham nhũng.

Thực tiễn, Đảng ta đã và đang làm quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Năm 2017, đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với hơn 3.600 tổ chức đảng và gần 10.400 đảng viên, thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức đảng, hơn 18.600 đảng viên, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức đảng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; thanh tra toàn diện 4 dự án, rà soát việc thanh tra 7 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.

Tin tưởng rằng, từ những kết quả, kinh nghiệm năm 2017, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, Đảng sẽ tiếp tục vững bước, nhân dân sẽ tiếp tục đồng hành trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không để những luận điệu xuyên tạc làm lung lay ý chí. Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.

Nhất Huy (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2814

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu