Thứ 6, 19/04/2024 12:56:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:36, 24/11/2014 GMT+7

Chồng chết, vợ 8 năm gõ cửa chờ thi hành án

Thứ 2, 24/11/2014 | 07:36:00 1,908 lượt xem
BP - Chồng bị sát hại, cuộc sống của người góa phụ trẻ càng khó khăn. Dù cố gắng hết sức, hai mẹ con chị vẫn thiếu trước hụt sau. Nhiều đêm ôm con, chị khóc thầm, tủi phận khi chưa thể xây cho chồng một ngôi mộ nhỏ!

Nỗi lòng góa phụ

Chia sẻ về những khó khăn từ khi chồng bị sát hại, chị Lê Thị Phượng ở thôn 7, xã Long Hà (Bù Gia Mập) nghẹn ngào: “Nghe con hỏi ba đâu, ai là người giết ba? Đau lòng lắm! Những lúc như thế, tôi luôn cố gắng chuyển câu chuyện sang hướng khác. Tôi sợ con sẽ bị tác động tâm lý bởi còn quá nhỏ”.

Mẹ con chị Phượng mong bản án được thi hành trọn vẹn để gia đình vơi bớt tủi phận trong cuộc sống

Năm 2006, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, anh Trần Văn Nam, chồng chị Phượng bị sát hại tại một tiệc cưới gần nhà. Chị trở thành góa bụa khi đứa con chưa kịp chào đời. “Đây là căn nhà chồng dựng lên lúc mới cưới. Bây giờ mái tôn đã cũ nát, mưa dột khắp nhà. Thiếu vắng người trụ cột nên nhà trống trải, mình cũng không có điều kiện sắm sửa gì thêm” - chị Phượng cho biết. Vượt qua nỗi cô đơn, khó khăn, thiếu thốn, chị Phượng dành hết tình yêu cho con. Chị nói dù khổ thế nào cũng quyết tâm lo cho con trai học đến nơi, đến chốn.

Sau khi chồng chết, nhiều người đàn ông tìm đến ngỏ ý chắp duyên nhưng chị chỉ dành tình thương cho con. Hàng ngày, chị đi cạo mủ cao su thuê kiếm tiền lo cuộc sống cho hai mẹ con. Với cha mẹ chồng, chị Phượng luôn là người con dâu hiếu thảo. Bà Nguyễn Thị Toàn (mẹ chồng chị Phượng) xúc động: “Tôi rất thương con dâu phải sớm chịu cảnh góa bụa. Nhiều lần tôi gợi ý Phượng đi bước nữa, nhưng cháu nói thương con, không muốn lấy chồng nữa. Biết tính con dâu nên tôi tôn trọng quyết định đó”.

Mỏi mòn chờ thi hành án

Hơn 8 năm, Đỗ Văn Thành - kẻ sát hại chồng chị Phượng đã phải trả giá cho hành động nông nổi bằng hình phạt 8 năm tù. Tuy nhiên, trách nhiệm dân sự theo Bản án số 204/2007/HSPT buộc bị cáo Thành phải bồi thường 89,42 triệu đồng cho gia đình bị hại vẫn chưa được thực hiện. Kể từ khi gây án đến khi mãn hạn tù, Thành và gia đình chưa một lần đến nhà chị Phượng thăm hỏi hay thắp một nén nhang cho người quá cố. “Gia đình tôi rất buồn vì cách hành xử của anh Thành và gia đình họ. Tôi không đành lòng đòi tiền bồi thường tính mạng của chồng để ăn, để sống. Chỉ mong bản án được thi hành để gia đình chúng tôi được an ủi phần nào” - chị Phượng nói trong nước mắt.

Bà Hoàng Thị Nụ (mẹ của Đỗ Văn Thành) ở thôn 7, xã Long Hà cho biết: “Tôi cũng động viên Thành sớm bồi thường cho gia đình chị Phượng nhưng nó bảo để thư thả đã”. Bà Nụ cho biết thêm, sau khi mãn hạn tù Thành đã theo người anh sang Lâm Đồng mua rẫy và cưới vợ ở bên đó.

Khoản 1, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định: “...Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”.

Biết tin Thành sống tại Lâm Đồng, chị Phượng và bà Toàn nhiều lần nộp đơn lên Cục Thi hành án tỉnh. Chị Phượng hy vọng cục giúp đỡ để nhận được số tiền bồi thường như bản án đã tuyên, song chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đầu tháng 11-2014, bà Toàn và chị Phượng tiếp tục nộp đơn lên Cục Thi hành án nhưng không được tiếp nhận. Trao đổi với chúng tôi, bà Toàn nói: Tôi không hiểu vì sao Cục Thi hành án tỉnh chỉ trả lời không nhận đơn mà không giải thích gì. Gia đình tôi rất thất vọng.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên viên của Cục Thi hành án trả lời: Cục không tiếp nhận đơn vì chị Phượng không chứng minh được điều kiện thi hành án của Thành. Trong khi đó, theo quy định của Luật Thi hành án thì Cục Thi hành án không có nhiệm vụ xác minh tài sản của Thành. Gia đình chị Phượng phải tự chứng minh Thành đủ điều kiện thi hành án. Khi đó, cục sẽ tiếp nhận đơn, phối hợp với địa phương để thi hành bản án. Chị Phượng có thể tự mình xác minh hoặc thuê bộ phận thừa phát lại lên Lâm Đồng chứng minh tài sản của Thành.

Từ vụ việc cụ thể trên cho thấy nếu cơ quan thi hành án làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật, đồng thời hướng dẫn cụ thể các quy định về quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án thì chị Phượng không phải nhiều lần lặn lội mang đơn xin đến Cục Thi hành án nhiều như vậy!

Linh Nga

  • Từ khóa
25974

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu