Thứ 6, 26/04/2024 04:00:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:52, 10/12/2013 GMT+7

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Thứ 3, 10/12/2013 | 13:52:00 484 lượt xem

Đến thời điểm này, xã Phú Trung (Bù Gia Mập) đã hoàn thành 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nằm trong “tốp” 55% số xã có mức hoàn thành từ 5 đến 9 tiêu chí nhưng điều đáng nói là Phú Trung đã có những cách làm hay để chủ động xây dựng NTM, phát huy tối đa nội lực để đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng, làm tốt an ninh trật tự xã hội, tạo thu nhập cho người dân... Quan trọng hơn, đằng sau kết quả xây dựng NTM đã tạo nên những thay đổi đáng quý ở nhiều khía cạnh khác...

“KHÓ VẠN LẦN
DÂN LIỆU CŨNG XONG”

Đường vào tổ 3B, thôn Phú Tâm, xã Phú Trung (Bù Gia Mập) hôm nay vui hơn mọi ngày. Toàn bộ nhà dân nằm trên đoạn đường liên thôn dài gần 150m đều có người ra làm đường. Người xúc cát, người trộn bê tông, người đánh hồ, người chuyên chở vật liệu và người làm đường... Mỗi người một tay, ai cũng khẩn trương để làm tốt phần việc của mình.


Người dân thôn Phú Tâm làm đường bê tông

Cả đoạn đường râm ran tiếng nói, cười. Có được sự đồng thuận này là do những hộ gia đình ở tổ 3B đều nhận thấy lợi ích được hưởng. Chị Phạm Thị Sách chia sẻ: “Giờ chỉ cần nói làm đường, làm mương thoát nước là tôi chủ động đi gọi ngay máy trộn bê tông, kêu mối bỏ đá... Mình làm vì mình, vì con cháu thôi. Có đường bê tông, con mình đi học sạch sẽ, bà con đi lại thuận tiện, ai chẳng vui”.

Ông Bùi Xuân Phóng, Bí thư Chi bộ thôn Phú Tâm cùng dân làm đường vui vẻ nói: “Dân có đồng tình thì việc mới thành. Câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” chẳng phải đã khẳng định sức mạnh của dân đấy thôi!”.

“Không phải việc làm đường muốn là thực hiện ngay được. Để thành công phải có phương pháp đúng. Quan trọng nhất vẫn là lòng tin của nhân dân đối với phong trào” -  ông Phóng chia sẻ rồi kể những nỗ lực mà ban xây dựng NTM của xã, thôn đã làm. Từ vận động đến gương mẫu chấp hành, chấp nhận thiệt thòi về mình để dân hiểu, dân tin và đồng thuận hưởng ứng.

Thuận lợi đầu tiên là chuyện về 3 hộ ở tổ 3A đã góp 45 triệu đồng tiên phong làm hơn 100m đường bêtông. Đây là cú hích quan trọng để nhiều người làm theo. Ông Bùi Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phú Trung, một trong 3 hộ dân đi đầu cho biết: “Nắm rõ chủ trương về xây dựng NTM nên tôi rất muốn phong trào được phát động mạnh mẽ trong nhân dân, vì lợi ích cả trước mắt cũng như lâu dài. Có khả năng nên chúng tôi tự nguyện làm trước. Anh em không tính toán thiệt hơn, bởi ai cũng thấy lợi ích riêng từ cái chung”.

Thành viên Ban xây dựng NTM của xã, cán bộ giao thông - thủy lợi Nguyễn Văn Tiến nhận xét: “Tôi nghe ở nhiều nơi trong tỉnh, việc huy động dân đóng góp khá nan giải. Vì thế, người dân Phú Trung chủ động chung sức như thế, chúng tôi rất mừng. Đó cũng là động lực để chúng tôi cố gắng thúc đẩy phong trào rộng hơn nữa”.


KHI DÂN ĐƯỢC “BIẾT,  BÀN, LÀM VÀ KIỂM TRA”

Phương pháp mà lãnh đạo xã Phú Trung áp dụng xây dựng NTM không có gì mới khi thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được khơi đúng lúc thì hiệu quả phát huy rất cao.

Từ năm 2011 đến nay, xã Phú Trung đã nâng cấp trải sỏi đỏ hơn 4km đường thôn Phú Tiến; nhựa hóa gần 600m đường thôn Phú Lâm, dân góp 19%; nhựa hóa đường thôn Phú Tín trị giá 2,5 tỷ đồng do Ban xây dựng NTM của xã vận động Nông trường Nghĩa Trung (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) góp 100% kinh phí; xã cũng vận động được 230 triệu đồng nâng cấp các tuyến đường hư hỏng do mưa lũ. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp 100% vốn và trên 250 ngày công để xây dựng 700m đường bê tông tại các thôn: Phú Nghĩa, Phú Tâm; 100% vốn và 150 ngày công để làm 150m mương thoát nước tại thôn Phú Tín; thôn Phú Bình cũng đã xây xong 1 cây cầu trị giá 35 triệu đồng và nhà văn hóa trị giá 115 triệu đồng từ 100% sức và tiền do dân đóng góp.

Anh Lê Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Là một xã thuần nông, không có quỹ đất 5% nên Phú Trung đang gặp khó khăn trong thực hiện các tiêu chí phát triển hợp tác xã, thương mại, dịch vụ, xây dựng bãi rác tập trung... Đó là khó khăn khách quan cần sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng. Nhưng muốn phát huy các tiêu chí nội lực từ dân, quan trọng nhất là làm sao để dân thấy được vai trò làm chủ của mình, đồng thuận cùng chính quyền xã thực hiện nhiệm vụ”.

Cụ thể ở thôn Phú Tâm, ông Phóng kể: Sau khi họp dân, thống nhất mức đóng tối thiểu, chúng tôi để dân tự hạch toán, thiết kế, triển khai làm đường và cử người có uy tín quản lý. Cán bộ thôn chỉ thống nhất kết cấu đường và cùng với dân giám sát việc thi công. Để dân tin tưởng hơn, ngoài công khai, minh bạch các khoản dân góp, cán bộ thôn không trích kinh phí hoạt động mà tự bỏ tiền túi và công sức...

Người dân tự mua vật liệu, đóng góp ngày công nên giảm được rất nhiều chi phí, tăng chất lượng công trình và tuân thủ kết cấu. “Con đường do dân góp công, góp của nên mỗi người tự thấy yêu quý và bảo vệ. Điều quan trọng nhất là khối đại đoàn kết trong dân được thể hiện rõ. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định an ninh trật tự tại xã” - anh Vũ Văn Tấn, Chủ tịch UBMTTQ xã Phú Trung, Trưởng ban vận động xây dựng NTM xã chia sẻ.

Phú Trung còn nhiều gian nan trong thực hiện 12 tiêu chí còn lại về xây dựng NTM. Nhưng với những gì đã và đang thực hiện, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây có quyền tin vào một diện mạo mới theo đúng lộ trình quy hoạch đã được phê duyệt.           

  Ngọc Tú

  • Từ khóa
53595

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu