Thứ 5, 25/04/2024 18:10:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:57, 12/10/2012 GMT+7

Chợ xã hội hóa

Thứ 6, 12/10/2012 | 09:57:00 275 lượt xem

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, bên cạnh những chợ hoạt động tốt vẫn còn không ít chợ mới xây do Nhà nước đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng bị bỏ hoang, vì nhiều lý do khác nhau. Ở xã Thành Tâm (Chơn Thành), người dân đã tự đầu tư xây chợ chỉ với diện tích đất khiêm tốn, vốn đầu tư không nhiều nhưng lại phát huy hiệu quả.

Xã Thành Tâm có gần 10 ngàn hộ, gồm người dân địa phương, lao động từ các nơi khác đến làm việc trong Khu công nghiệp Chơn Thành và hàng chục doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn. Vì vậy, nhu cầu mua bán hàng hóa rất lớn.

Ông Thiện trong lần đi thăm chợ do mình đầu tư

Tuy nhiên, do khó khăn về quỹ đất công, phần lớn diện tích đất được quy hoạch các dự án khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ của trung ương, tỉnh nên đến nay xã Thành Tâm chưa có chợ. Trước năm 2010, việc mua bán của người dân được thực hiện ở chợ thị trấn Chơn Thành, hoặc ở chợ tạm Mồ Côi chỉ họp vào buổi chiều (phần lớn là thực phẩm từ các nơi bán không hết đưa về).

Trước tình trạng trên, cuối năm 2009, ông Trần Văn Thiện ở tổ 4, ấp Mỹ Hưng có ý định tạo nơi buôn bán tập trung cho người dân. Được UBND xã Thành Tâm chấp thuận, năm 2010, ông Thiện mua 300m2 đất giáp quốc lộ 13 và đường đất đỏ tổ 4 để xây nhà lồng chợ, kéo điện, làm hệ thống bồn chứa nước 1.000 lít, xây dựng hầm chứa chất thải có thể tích 10m3. Việc thu gom rác tại chợ được thực hiện 3 lần/tuần... Do chợ được đầu tư khang trang, sạch sẽ, vị trí thuận tiện nên việc buôn bán ở đây diễn ra sầm uất.

Ông Thiện cho biết, khi mới hoạt động, chợ chỉ có 6 hộ đăng ký buôn bán, nay đã lên 40 với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, chưa kể các hộ ở gần chợ cũng đầu tư hệ thống mái che, cho thuê mặt bằng mở quán ăn sáng, sửa chữa điện tử... nâng tổng diện tích của chợ lên 500m2. Thực phẩm ở chợ tươi, giá cả phù hợp bởi phần lớn do chợ đầu mối ở thành phố cung cấp hoặc người dân địa phương trồng mang ra bán. Chợ chỉ họp vào buổi sáng từ 5-10 giờ.

Chợ không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp cuộc sống của nhiều hộ bớt khó khăn hơn. Chị Lê Thị Bình ở ấp 5, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương trước kia làm công nhân. Thấy chợ được xây dựng nên chị đã đăng ký buôn bán. Lúc đầu chỉ có ít rau, củ, nay đã mở rộng đủ các mặt hàng với số vốn đầu tư mỗi buổi sáng khoảng 5 triệu đồng. Còn chị Trần Thị Tuyên bán hàng thịt cho biết, gia đình có 4 người con, không có đất, nhà, để mưu sinh chị phải làm đủ các nghề: làm mướn, nấu rượu, bán vé số, mua ve chai nhưng rất bấp bênh. Từ khi có chợ, mỗi ngày chị bán khoảng 40kg thịt heo, cộng với bán bún, chuối nên mỗi ngày thu nhập gần 300 ngàn đồng.

Hàng ngày ông Thiện ra chợ quét dọn, chỗ nào nước đọng thì khơi thông, hư hỏng thì sửa chữa. Việc cho thuê chỗ bán với giá hỗ trợ là chính nên mỗi buổi ông chỉ thu 7.000 đồng/hộ. Ông xem đó là niềm vui của tuổi già.

Ông Phan Xuân Quế, Phó chủ tịch UBND xã Thành Tâm cho biết: Hiện trung tâm hành chính xã được quy hoạch sâu bên trong, việc hình thành chợ ở gần trung tâm là không khả thi. Chợ phải được xây dựng ở gần đường quốc lộ, gần khu dân cư mới tạo thuận lợi cho buôn bán hàng hóa nhưng xã không có đất. Đầu tư làm chợ như ông Thiện là việc làm ý nghĩa, phù hợp với xu hướng xã hội hóa các hoạt động thương mại, trong đó có chợ ở vùng nông thôn hiện nay.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
92131

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu