Thứ 6, 29/03/2024 00:49:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:40, 11/02/2015 GMT+7

Chở quá tải, cần khởi tố cả lái xe và chủ xe

Thứ 4, 11/02/2015 | 08:40:00 275 lượt xem
BP - Hiện nay, việc xử lý xe chở quá tải trọng đang được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 107/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số điều trong Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, đối với xe chở quá tải trọng từ trên 40-60%, cá nhân (tài xế) bị phạt 12-14 triệu đồng, tổ chức (chủ xe) bị phạt 24-28 triệu đồng. Trường hợp chở quá tải trọng trên 60-100%, mức phạt đối với hai đối tượng trên lần lượt là 14-16 triệu và 28-32 triệu đồng; trên 100% thì mức phạt 16-18 triệu và 32-36 triệu đồng.

Như vậy, mức phạt về hành vi chở quá tải trọng theo Nghị định số 107 so với Nghị định 171 đã tăng 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức, nhưng trong thực tế cho thấy việc xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 107 vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi vì, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau một thời gian làm quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương, việc kiểm soát xe chở quá tải cơ bản đã đạt được 80%, số xe vi phạm/tổng số xe được kiểm tra đã giảm nhiều, với tỷ lệ từ 50% vào tháng 3-2014 còn 8,3% vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, tình trạng chủ xe, tài xế cố tình chở quá tải vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở các tuyến đường ngang ngõ tắt. Phần lớn các xe chở quá tải chủ yếu hoạt động ở các mỏ đá và nhà máy xi măng. Bên cạnh đó, có tình trạng chủ xe, lái xe móc nối với “cò” để dẫn xe qua trạm; thậm chí có không ít trường hợp lái xe chống đối lực lượng chức năng...

Trước tình hình trên, song song với việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn xe chở quá tải trọng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu và đề xuất quy định cụ thể đối với mức vi phạm chở quá tải bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng thì sẽ khởi tố nếu chủ xe và tài xế chở hàng vượt tải trọng trên 200%. Hơn nữa, một khi cả chủ xe và tài xế đều bị xử lý hình sự thì trong đó phải xử lý chủ xe nặng hơn, vì trong thực tế cho thấy ít có tài xế nào muốn chở quá tải, phần lớn là do bị chủ xe ép buộc. Chính vì vậy, nếu đề xuất này được Chính phủ chấp thuận thì đây là một trong những biện pháp mạnh tay đối với hành vi cố tình vận chuyển quá tải trọng của phương tiện.

Mặc dù mới chỉ là đề xuất nhưng chủ trương trên được dư luận xã hội đồng tình, doanh nghiệp vận tải và người dân hưởng ứng tích cực. Bởi lẽ, hành vi cố tình chở quá tải làm hư đường là hành vi phá hoại tài sản quốc gia nên cần phải xử lý ở mức độ cao hơn mức phạt hành chính. Và có như vậy thì kỷ cương trong trật tự an toàn giao thông mới được lập lại. Cao hơn nữa là tính mạng của hàng chục triệu người tham gia giao thông hằng ngày mới được đảm bảo.

Hiện nay, an toàn giao thông đang là vấn đề bức xúc không chỉ của chính quyền các cấp mà còn là nỗi lo của người dân trong cả nước. Vì mặc dù tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta đã giảm nhiều trong những năm gần đây, nhưng hiện mỗi ngày trên cả nước trung bình có tới 23 người sáng ra khỏi nhà nhưng chiều không trở về. Bên cạnh đó cũng với từng đó người phải mang thương tật suốt quãng đời còn lại và trong số đó có không ít người trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Chính vì thế, việc xử lý kiên quyết và mạnh tay đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ được đông đảo nhân dân đồng tình và tích cực ủng hộ.

Gia Bảo

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu