Thứ 7, 20/04/2024 00:55:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:36, 14/12/2017 GMT+7

Cho hội nghị lần sau

Thứ 5, 14/12/2017 | 09:36:00 102 lượt xem

BP - Năm 2017, khu vực Đông Nam bộ có 2.744 trang trại nuôi heo, với quy mô từ 200 con trở lên. Bình Phước có 217 trang trại và trong số 1.007 trại nuôi gia cầm quy mô từ 20 ngàn con trở lên có 83 trại. Đó là số liệu được cơ quan chức năng công bố tại hội nghị kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao khu vực Đông Nam bộ do UBND tỉnh Bình Phước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus tổ chức ngày 11-12-2017. Ở Đông Nam bộ, Bình Phước là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất, mật độ dân cư thưa nhất, điều kiện khí hậu thuận lợi nhất cho chăn nuôi. Thế nhưng vì sao trong 7 tỉnh Đông Nam bộ, Bình Phước lại có số trang trại chăn nuôi heo chỉ chiếm 7,9% và trại nuôi gia cầm chỉ chiếm 8,2% - tương đương bằng khoảng 50% so với bình quân của các tỉnh khác trong khu vực?

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm khoảng 33%. Trong cơ cấu nội bộ lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt chiếm khoảng 85%, chăn nuôi 13%, dịch vụ 2%. Những năm qua, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh rất chậm. Nền nông nghiệp phát triển thì tỷ trọng kinh tế nội bộ dịch vụ phải chiếm tỷ lệ lớn, kế đến là chăn nuôi rồi mới tới trồng trọt. Điều đó cho thấy nền nông nghiệp của Bình Phước còn kém phát triển, chủ yếu dựa vào trồng trọt - khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. 2 loài vật nuôi chủ lực của nền nông nghiệp là heo và gia cầm thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do liên tục rớt giá, nhà nông, doanh nghiệp chăn nuôi điêu đứng. Tuy nhiên, đó không phải là lý do dẫn tới nền chăn nuôi của Bình Phước yếu kém và thua xa các tỉnh, thành khác trong khu vực. Trong khi các tỉnh, thành bạn đã tập trung phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp với số lượng lớn, được quy hoạch rất bài bản từ nhiều năm trước, gần đây Bình Phước mới có được đề án quy hoạch chăn nuôi giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Vì thế, không khó lý giải vì sao các tỉnh, thành trong khu vực hầu hết là những tỉnh công nghiệp bậc nhất cả nước, nhưng vẫn vượt xa Bình Phước về phát triển chăn nuôi. Xuất phát sau và muốn đuổi kịp các địa phương khác, chỉ còn cách đột phá, đi tắt đón đầu và có chiến lược đặc biệt. Lý thuyết là như vậy, nhưng áp dụng vào thực tiễn không đơn giản. Hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn, chưa kết nối được người sản xuất và thị trường để tạo ra chuỗi liên kết ổn định, đồng thời năng suất, chất lượng không bền vững, hình thức tổ chức sản xuất manh mún và bị cắt khúc... thì hiệu quả kinh tế tổng thể không thể cao. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra, khó khăn trong xử lý chất thải, giết mổ thủ công tràn lan, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm... Thật đáng lo ngại khi những ngày gần đây, báo chí đưa tin 150 mẫu thịt tươi sống được lấy tại một số chợ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh được Viện Pasteur kiểm nghiệm vi sinh đều có vi khuẩn E.Coli.

Không thể ngay lập tức loại bỏ, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ cần được phát triển chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu cao để từng bước tiến lên chăn nuôi với quy trình kỹ thuật tiến bộ. Sức ép từ việc phải cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng là điều kiện để các nhà quản lý đưa ra giải pháp để cạnh tranh hiệu quả. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề đó ngành chăn nuôi Bình Phước mới theo kịp các tỉnh, thành khác và những lần hội nghị sau mới mong có các con số tích cực hơn so với bạn bè trong khu vực cũng như vươn tầm ra thế giới.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu