Thứ 6, 19/04/2024 13:13:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:28, 03/09/2015 GMT+7

Chờ đợi và hy vọng

Thứ 5, 03/09/2015 | 16:28:00 115 lượt xem
BPO - Trải qua hai phiên thương lượng kịch tính, nhưng chưa có hồi kết, phiên họp thứ 3 của Hội đồng tiền lương Quốc gia diễn ra vào ngày 3-9 có thể coi là “trận chung kết” phải chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.
 Ảnh minh họa 

Lương tối thiểu là vấn đề nóng bỏng trong suốt mấy tuần qua với hàng triệu người lao động. Đúng như dự đoán, Hội đồng tiền lương quốc gia không thể chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sau hai phiên họp căng thẳng, kịch tính. Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 vào ngày 5-8 không có kết quả. Chờ đợi khắc khoải gần 3 tuần, hàng triệu người lao động lại buồn bã khi cuộc họp lần thứ 2 diễn ra sáng 25-8 cũng không chốt được mức tăng.

Cũng phải “thông cảm” cho Hội đồng tiền lương quốc gia, bởi hai phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới sử dụng lao động đưa ra các mức đề xuất quá chênh lệch. Cụ thể là 16,8% và khoảng hơn 10%.

Để bảo vệ cho mức đề xuất của mình, đứng về phía người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tính toán kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Đầu tiên là mức lương tối thiểu vùng hiện tại còn thấp do so với nhu cầu sống tối thiểu. Kết quả khảo sát mức lương của người lao động được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mới đây cho thấy, mức chi tiêu trung bình của người lao động là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. So với mức lương tối thiểu cao nhất hiện nay 3,1 triệu đồng ở vùng 1, thì lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu hơn 1 triệu đồng và chỉ đáp ứng được 74 - 75% mức sống tối thiểu.

Một yếu tố khác được đại diện người lao động đưa ra là phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động. Điều này lẽ ra phải được áp dụng ngay từ khi Luật có hiệu lực, từ ngày 1-1-2013. Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay doanh nghiệp sẽ khó khăn, nên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đồng ý cần theo lộ trình. Song, lộ trình đó phải có thời điểm nhất định. Trước đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất với Tổng liên đoàn lộ trình sẽ kết thúc vào năm 2017. Hiện nay mức lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy, trong 2 năm còn lại chúng ta phải đảm bảo 25- 26%, mỗi năm phải tăng 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5% nên tăng năm nay khoảng 17%. 

Sau cuộc thương lượng bất thành lần thứ hai, ông Mai Đức Chính đã nói căng thẳng: “Chúng ta làm chính sách mà ngồi phòng máy lạnh thì không bao giờ thấy được nỗi khổ của công nhân, mời các vị trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia một lần xuống với công nhân xem họ sống ra sao”.

Sẽ là thiếu sót nếu nói đến lương tối thiểu mà không quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp. Về phía giới sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh “quan điểm của chúng tôi là phải đặt lợi ích người lao động, lợi ích chủ doanh nghiệp dưới lợi ích quốc gia”. Bởi lẽ, chúng ta phải tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đất nước phải có 1 đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh đảm bảo phát triển bền vững và đó mới đảm bảo việc tăng lương tối thiểu. Với mức tăng năng suất lao động 3 % và mức trượt giá đồng tiền từ 1-3 %, VCCI đề xuất mức tăng 10 % lương tối thiểu vùng năm 2016...

Như vậy, nhìn từ góc độ nào thì việc đề xuất của các bên cũng hợp tình hợp lý nên phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia luôn căng thẳng, kịch tính. Phiên họp ngày 3-9 sẽ là phiên chốt, nếu 2 bên vẫn không thể thương lượng, thống nhất được thì Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ quyết định chọn một phương án để trình Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là phương án trung hòa, đảm bảo hài hòa lợi ích nhất cho cả 2 bên thành viên.

Hàng triệu lao động có thể thở phào, dành những tràng vỗ tay cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia sau cuộc họp ngày 3/9 hay không? Hãy chờ đợi và hy vọng!

Mức lương tối thiểu hiện hành được quy định điều chỉnh (theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP) như sau:

Vùng 1: 3.100.000 đồng/tháng.

Vùng 2: 2.750.000 đồng/tháng.

Vùng 3: 2.400.000 đồng/tháng.

Vùng 4: 2.150.000 đồng/tháng. 

Nguồn ĐCSVN 

  • Từ khóa
52281

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu