Thứ 6, 29/03/2024 12:28:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 21:26, 18/04/2018 GMT+7

Suy ngẫm:

Cho đi là còn mãi

Thứ 4, 18/04/2018 | 21:26:00 133 lượt xem

BPO - Ở nước ta, hiện hàng chục ngàn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày vì chờ cơ hội được ghép tim, gan, thận... Nhiều người vẫn biết việc hiến tạng là mang lại cuộc sống cho người khác và việc làm này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế vì chưa cởi bỏ được quan niệm muốn người chết được “chết toàn thân”. Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, số lượng người được ghép mô, tạng ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi đó số người có nhu cầu  cao gấp hàng chục lần. Hiện cả nước đang có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép; trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Cùng với đó, cả nước đang có khoảng 300.000 người bị các bệnh lý về mắt; trong đó, hơn 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc…

Chính vì thế, thông tin anh Lê Ngọc Sang (25 tuổi) bị khuyết tật hai tay, hở hàm ếch đã đi bộ từ TP. Hồ Chí Minh ra Quảng Ninh và ngày 16-4 đã đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tại Hà Nội đăng ký hiến tạng khiến nhiều người không khỏi xúc động, nể phục. Mặc dù cơ thể nhỏ bé, yếu ớt và mưu sinh bằng nghề bán vé số nhưng chàng trai này vẫn đi bộ suốt 282 ngày, vượt qua 23 tỉnh, thành với quãng đường dài hơn 2.000 km để hiến tạng với quan niệm “cho đi là nhận lại”.

Nhiều năm trở lại đây, số người đăng ký hiến tạng ngày càng nhiều. Tiêu biểu, năm 2015, bà Vũ Thị Mừng (58 tuổi, thôn An Bình, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng cũng đã nén nỗi đau mất con vì tai nạn giao thông, hiến tất cả nội tạng của con để những người đang giành giật sự sống từng ngày có cơ hội được tái sinh. Để có một quyết định như người mẹ ấy, không phải ai cũng làm được. Chỉ khi bà hiểu đó là việc làm có ý nghĩa nhân văn cao đẹp và cũng là cách để cái chết của con mình có ý nghĩa nhất.

Ngày 20-5-2016, anh Trần Nguyễn An Khương ở Tân Lộc, Thới Bình, Cà Mau cũng đã đạp xe vượt gần 2.000 km ra Hà Nội, đến Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia đăng ký hiến tạng. Chàng trai 28 tuổi chỉ nặng 37kg đã tác động tới anh Sang để nhân rộng việc làm cao đẹp ấy.

Xúc động tiếp nối là trường hợp mẹ chẳng may bị tai nạn giao thông vào ngày 19-3-2017 dẫn đến chết não không thể cứu chữa. Trong lúc tuyệt vọng nhất, cô bé Nguyễn Thị Sáng, 19 tuổi (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Khê, Hà Tĩnh) hỏi ý kiến người thân và đã hiến tạng mẹ cho y học. Quyết định sáng suốt và đầy tình người của em đã cứu sống được 4 người trong tình trạng nguy kịch.

Trước quyết định dũng cảm và đầy tính nhân văn của Nguyễn Thị Sáng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư khen ngợi. Còn cô gái hiến tạng mẹ ruột để cứu người thì chia sẻ: “Một phần cơ thể mẹ còn sống cũng an ủi lắm rồi”. Em còn quá non nớt để phải chịu đựng biến cố mất người thân, phải thay mẹ chăm sóc các em. Nhưng ngay cả trong lúc đau đớn và tuyệt vọng nhất, trái tim em vẫn tràn đầy tình nhân ái, yêu thương.

Vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn, mất mát của gia đình để làm được việc đầy tình người như gia đình cô Mừng, em Sáng hoặc tự đăng ký hiến khi mất đi như anh Sang, anh Khương… không phải ai cũng làm được. Nhưng việc nhân rộng tấm lòng cao cả ấy cũng từ đó nhân lên tình người, tình đời và mở ra cơ hội sống cho nhiều người, đem lại hy vọng lớn lao cho ngành y học nước nhà.

An Nhiên

  • Từ khóa
108856

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu