Thứ 6, 19/04/2024 16:25:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:35, 24/07/2015 GMT+7

Vụ án rào đường ở Bình Giai: Người dân tiếp tục đi tìm công lý

Thứ 6, 24/07/2015 | 10:35:00 2,020 lượt xem
BP - Báo Bình Phước số ra ngày 18-6-2015 đăng bài “Nhiều khuất tất trong vụ án rào đường ở Bình Giai”. Nội dung bài báo nêu rõ hành vi ngang ngược của vợ chồng ông Hoàng Thiếu Sáng ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh (Bù Gia Mập). Tuy nhiên, vụ việc lại không được ngành chức năng của huyện giải quyết rõ ràng, minh bạch, gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến đời sống của không ít người dân trong thôn và khu vực lân cận.


Không chỉ rào đường dân sinh, ông Sáng còn rào lấn sang đất của các hộ xung quanh. Trong ảnh một người dân ở Bình Giai bức xúc cho biết mốc ranh đất cũ

“Sự việc được Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập thụ lý và đưa ra xét xử, ai trong chúng tôi cũng nghĩ rồi đây con đường sẽ được trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng điều bất ngờ là tòa lại xử thắng cho vợ chồng ông Sáng. Sự việc như giọt nước tràn ly, càng làm cho người dân thôn Bình Giai và những ai có nhu cầu đi lại trên tuyến đường này bức xúc. Vụ việc còn làm mất lòng tin của bà con đối với một số cán bộ đang thực thi công lý ở huyện Bù Gia Mập” - ông Bùi Đức Dục ở thôn Bình Giai - một nguyên đơn nói.

“Bỏ ngoài tai” ý kiến của nhân chứng

Theo Bản án dân sự số 10/2015/DS-ST, ngày 29-5-2015, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập, hội đồng xét xử nhận định: Trong biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 23-4-2015 đã xác định được diện tích đường đi đang tranh chấp là 588,3m2, thuộc diện tích 37.126m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BC 624972, vào sổ cấp GCNQSDĐ CH00147/ĐL do UBND huyện Bù Gia Mập cấp ngày 12-1-2011 mang tên ông Hoàng Thiếu Sáng, bà Chí Ửng Múi. Còn theo bản định giá tài sản ngày 7-5-2015 thì diện tích đất tranh chấp trị giá 12.942.600 đồng. Căn cứ hồ sơ cấp GCNQSDĐ của UBND huyện Bù Gia Mập đã cấp cho ông Sáng, bà Múi và GCNQSDĐ số BC 624972 chỉ thể hiện một đoạn đường rộng 2m đi men theo bờ ranh đất của ông Sáng - bà Múi là hết đường, mà không có đoạn nào đi ngang qua đất của ông Sáng - bà Múi xuống lòng hồ để qua xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập).

Cũng theo tòa, việc các nguyên đơn: Mai Văn Cầu ở khu phố Long Điền 1, phường Long Phước, thị xã Phước Long; Điểu Quan ở thôn Bình Hà 1, xã Đa Kia (Bù Gia Mập); Võ Văn Thành (đại diện cho bà Chu Thị Hạ) ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh; Bùi Đức Dục ở thôn Bình Giai; Nguyễn Văn Thức ở thôn Tân Long, xã Bù Nho (Bù Gia Mập) và người làm chứng là ông Điểu Bôn ở thôn Bình Giai cho rằng, có đường đi ngang qua đất nhà ông Sáng - bà Múi xuống lòng hồ là không có căn cứ pháp lý vì phần diện tích tranh chấp nằm trong diện tích đã cấp GCNQSDĐ cho ông Sáng - bà Múi và phần đất tranh chấp này không thuộc đất đường đi theo quy hoạch của Nhà nước. Do đó, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, còn việc ông Sáng - bà Múi cho rằng phần diện tích đất tranh chấp nêu trên không phải là đất đường đi chung mà là đất của ông Sáng - bà Múi là có căn cứ.

Bản án cũng nêu rõ, lời trình bày của ông Điểu Bôn (người bán đất cho ông Sáng) là “Ông Bôn đã bán diện tích đất rẫy tại thôn Bình Giai, xã Phước Minh cho ông Sáng - bà Múi. Khi bán diện tích đất trên thì trên đất có con đường đi dẫn đến bờ sông. Khi đó, ông Bôn chỉ bán diện tích đất rẫy cho ông Sáng - bà Múi mà không bán đất đường đi trên đất rẫy”. Chi tiết này đã khẳng định có con đường đi qua đất của ông Sáng - bà Múi. Ngoài ra, rất nhiều nhân chứng là người địa phương, sinh sống ở đây từ trước năm 1975 đến nay đều khẳng định sự tồn tại của con đường. Trên bản đồ địa chính do tòa yêu cầu các nguyên đơn mời Trung tâm Kỹ thuật địa chính (Sở Tài nguyên - Môi trường) về đo đạc lại đất của ông Sáng và trích lục bản đồ của địa phương cũng thể hiện rõ con đường đi qua đất ông Sáng - bà Múi nhưng không được tòa xem xét.

Tòa xử chưa công minh, dân mất lòng tin

Con đường này có từ trước năm 1975, do người dân địa phương tự mở để đi lại và vận chuyển gỗ. Trước đây, khi còn làm Trưởng công an xã Đa Kia (chưa tách xã), tôi cùng các công an viên thường xuyên tuần tra trên tuyến đường này. Do vậy, việc ông Hoàng Thiếu Sáng mua đất, làm sổ, rồi rào đường đi của dân là hoàn toàn sai.

Ông Điểu ĐoanBí thư Đảng ủy xã Phước Minh

Cũng là một nhân chứng tại tòa, ông Điểu De ở thôn Bình Giai bức xúc nói: “Dẫn chứng tòa nêu trong bản án là “Từ khi còn nhỏ, ông De đã thấy có con đường đi chung từ phía ngoài vào đến đất của ông Sáng - bà Múi là hết con đường, không có con đường nào đi qua đất nhà ông Sáng - bà Múi xuống lòng hồ để sang xã Phú Nghĩa” là không đúng sự thật. Tôi chỉ nói rằng, từ trước đến nay, đây là con đường duy nhất đi qua đất nhà ông Sáng - bà Múi để sang Phú Nghĩa”.

Ông Điểu Bôn một lần nữa khẳng định: “Con đường này đã có từ trước ngày giải phóng và là trục đường chính của thôn, chạy dọc qua đất nhà ông Sáng ra bến sông. Khi bán tôi cũng đã nói rõ, con đường này đã có từ trước, tôi chỉ bán đất chứ không bán đường đi”. Bà Chu Thị Hạ ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh than phiền: Tôi sống ở đây lâu rồi và thường xuyên đi làm qua đoạn đường này. Không biết bằng cách nào và được ai hỗ trợ mà ông Sáng có thể biến đất đoạn đường dân sinh thành đất của mình? 

Bí thư Đảng ủy xã Phước Minh Điểu Đoan cho rằng xét xử của Tòa án nhân dân huyện chưa minh bạch, khách quan, gây mất lòng tin của người dân đối với cơ quan thực thi pháp luật. Ông Đoan cũng đề nghị ngành chức năng của tỉnh và huyện sớm vào cuộc, làm rõ sự việc để trả lại đường đi cho dân, giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Cũng là một nguyên đơn, ông Điểu Quan ở thôn Bình Hà 1, xã Đa Kia nói: Thời điểm này đang là mùa chăm sóc các loại cây trồng và khai thác mủ cao su. Nếu người dân vận chuyển phân bón và nông sản men theo khu vực bán ngập của lòng hồ thủy điện Cần Đơn ra bến sông và ngược lại rất nguy hiểm. Còn đi vòng ra thị xã Phước Long để lên Phú Nghĩa thì quá xa (khoảng 75km). Hiện vườn rẫy của gia đình thì bỏ bê, bản thân phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan và kinh phí bỏ ra cũng không ít, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi tìm công lý để đòi lại con đường cho mọi người.

“Do Tòa án nhân dân huyện xét xử không “thấu tình đạt lý”, ngày 10-6-2015, tôi và đại diện một số hộ dân bị ảnh hưởng đã làm đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân huyện yêu cầu tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án. Hiện chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền và ngành chức năng xem xét, sớm đưa vụ việc ra xét xử lại” - ông Bùi Đức Dục nói.

Qua vụ án, hiện dư luận ở Bù Gia Mập đang đặt ra các câu hỏi: Tại sao vợ chồng ông Sáng không rào đường từ khi mới mua đất (năm 1994)? Ai tiếp tay cho vợ chồng ông Sáng làm GCNQSDĐ khi không có sự chứng kiến của các hộ tứ cận và xác nhận của Ban điều hành thôn Bình Giai? Tại sao các nguyên đơn không được tòa cho xem “giấy sang nhượng đất hoa màu” của ông Bôn cho ông Sáng - bà Múi, được UBND xã Đa Kia xác nhận ngày 24-10-1995 (ông Bôn không biết chữ và bán bằng miệng)? Vì sao Tòa án nhân dân huyện chỉ căn cứ vào hồ sơ và GCNQSDĐ của vợ chồng ông Sáng để xét xử cho ông Sáng thắng kiện?... và mong muốn các cấp có thẩm quyền, ngành chức năng có câu trả lời cụ thể thỏa đáng.

Nhóm PVKT

  • Từ khóa
29018

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu