Thứ 3, 19/03/2024 17:13:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:39, 04/05/2017 GMT+7

Chính phủ bàn giải pháp, đối sách để đạt mức tăng trưởng 6,7%

Nguồn SGGP
Thứ 5, 04/05/2017 | 13:39:00 199 lượt xem
BPO - Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, trong đó có phương án và các giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3 quý còn lại và cả năm 2017.

Phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, sáng 4-5-2017. Ảnh: VGPPhiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, sáng 4-5-2017. 

Ngày 4-5, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4-2017. 

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận “chúng ta vừa chứng kiến kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 với không khí nô nức. Chưa bao giờ số lượng khách trong nước đi du lịch, nghỉ ngơi đông như thế. Nếu như năm ngoái, biển miền Trung vắng người thì năm nay, các bãi biển từ Quảng Ninh đến mũi Cà Mau, có thể nói là không còn chỗ trống. Đây là tín hiệu đáng mừng. Khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông”. Theo Thủ tướng, không khí đầu tư làm ăn của các địa phương, doanh nghiệp cũng có khởi sắc.

Thủ tướng chỉ ra nét tích cực nổi bật trong tháng 4 là kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không tăng (mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 tại 14 tỉnh, thành phố). Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi (nhất là sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn mức 4,2% của quý I). Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây (đạt 4,86%, cùng kỳ 3%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (tăng 15,4%, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản). Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng cao (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%). Thu ngân sách nhà nước tăng khá (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Thành lập mới doanh nghiệp đạt kết quả tích cực (gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng).

Chính phủ bàn giải pháp, đối sách để đạt mức tăng trưởng 6,7%  ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, sáng 4-5-2017. Ảnh: VGP

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải nhìn thẳng vào những vấn đề cần tập trung giải quyết, thảo luận để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể. Một số ngành kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là khu vực công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng và trồng trọt, chăn nuôi. Tổng cầu phục hồi chậm, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn (4 tháng có trên 4.000 doanh nghiệp giải thể và trên 27.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động)… Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến nhận định, đánh giá thực trạng tình hình và đề xuất các giải pháp, đối sách để đạt được tăng trưởng 6,7% nhưng vẫn bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng sẽ nghe báo cáo việc xử lý 12 dự án thua lỗ; Bộ Tài chính báo cáo về việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; Bộ GT-VT báo cáo về cơ chế, chính sách đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam...

Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi đó thì giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Thủ tướng đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.

Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.

Cùng với đó, trước tình hình ngành công nghiệp tăng trưởng thấp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng báo cáo rõ, đề xuất cụ thể các giải pháp để phục hồi tăng trưởng khu vực công nghiệp theo hướng tái cơ cấu, tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, điện, nước, xây dựng.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm; còn nhiều vụ vi phạm quy định về công tác cán bộ, các vụ việc nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, lãng phí. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo thực trạng tình hình và đề xuất giải pháp để lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính và không để tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm… tiếp diễn.

Bên cạnh đó, còn nảy sinh một số vụ việc như kích động giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội)… diễn biến phức tạp. Theo Thủ tướng, bên cạnh chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân thì không để điểm nóng xảy ra trên phạm vi quốc gia là vấn đề cần thảo luận. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tóm tắt tình hình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành, các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để Chính phủ thảo luận, thống nhất đưa vào Nghị quyết phiên họp. “Không thể nói là coi trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ an ninh trật tự xã hội được”, Thủ tướng nêu rõ.

  • Từ khóa
41542

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu