Thứ 6, 29/03/2024 00:17:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:21, 26/10/2015 GMT+7

Vỡ tổ...

Thứ 2, 26/10/2015 | 10:21:00 2,267 lượt xem
BPO - Hôn nhân tan vỡ, người ta kiện nhau ra tòa để chia tất cả những thứ đã từng là của chung, từ tiền bạc đến con cái...


 

Anh chị không có tài sản chung vì nhà cửa, đất đai đều là của bố mẹ anh. Khi cuộc hôn nhân kéo dài bảy năm đổ vỡ, chị tay trắng về nhà bố mẹ đẻ.

Tài sản chung lớn nhất của chị là hai đứa con, con gái lớn 6 tuổi, con trai nhỏ 4 tuổi đã được tòa sơ thẩm chia đôi. Chị được nuôi con gái lớn, anh nuôi con trai út. Anh kháng cáo đòi nuôi cả hai con.

“Cô ấy đi làm gặp người này người kia rồi thay tính đổi nết. Cô ấy ngoại tình với người đàn ông khác nên không đủ tư cách để nuôi con. Cô ấy đi làm xa cách nhà mấy kilômet, toàn bỏ con cho bà ngoại nuôi dưỡng. Từ ngày tòa cho ly hôn cô ấy mới đi thăm con có vài lần...”.

Anh trình bày hàng loạt lý do kháng cáo muốn xin nuôi cả hai con mà không yêu cầu chị phải cấp dưỡng. Anh kể thêm từ ngày ly hôn, có lần các con bảo “bố ơi chúng con nhớ mẹ quá”, anh phải chở con đi 30km từ huyện Mê Linh sang huyện Phúc Thọ để các con được gặp mẹ.

Hôm sau anh lên đón con về thì thấy chị bận đi làm, để các con chơi một mình ngoài ngõ bị bạn bè trêu chọc “mày có mẹ ngoại tình”.

Tòa ngắt lời anh: “Việc anh nói chị ngoại tình chưa có chứng cứ. Mà cho dù chị có ngoại tình thật thì cũng không ảnh hưởng gì đến quyền nuôi con của chị, đó là hai việc hoàn toàn khác nhau”.

Được gọi trình bày, chị khóc nức nở: “Anh ấy đặt điều như vậy chứ tôi đâu có ngoại tình. Sống chung không được nên tôi mới phải về nhà mẹ đẻ, mà hai nhà xa nhau hơn 30km nên mỗi tháng tôi đi thăm con được có hai lần.

Tòa sơ thẩm xử tôi được nuôi một con nhưng cả anh ấy và bố mẹ chồng đều giữ con rồi còn mang con đi giấu, tôi đành về nhà bố mẹ đẻ tay không...”.

Cả hai người đều cố gắng đưa ra chứng cứ chứng minh mình có đủ điều kiện nuôi con mà không cần phía bên kia cấp dưỡng.

Anh bảo mình lái xe taxi, mỗi tháng thu nhập gần 20 triệu đồng, có nhà cửa ổn định, có bà nội phụ trông con.

Chị đi làm công nhân lương tháng 3 triệu đồng, bố mẹ cho trông tiệm Internet, thu nhập mỗi tháng 7 - 8 triệu đồng. Bố mẹ chị đã xây nhà mới, để lại cho chị căn nhà cũ. Ông bà còn có đơn trình bày đề nghị tòa tạo điều kiện để chị được nuôi con.

Tòa hỏi chị hai đứa con đã sống yên ổn với bố, gia đình anh cũng có điều kiện, anh có nhà cửa ổn định thì có nên để anh nuôi con không?

Chị chỉ cần đi lại thăm các con và cấp dưỡng nếu có điều kiện, chứ nếu hai chị em đã quen sống với nhau ở nhà bố, giờ chia tách nhau sợ các cháu sẽ bị sốc? Chị cương quyết: “Tôi nuôi được cả hai con mà không cần anh ấy phải cấp dưỡng”.

Tòa tuyên bác kháng cáo đòi nuôi cả hai con của anh, y án sơ thẩm.

Anh đi cùng bạn gái - một người phụ nữ tóc vàng hoe, ăn mặc rất hợp mốt - đến tòa. Chị đi cùng mẹ và chị dâu. Hai bên lặng lẽ rời tòa, không ai nói với ai lời nào nữa.

Đợi anh đi khuất, chị mới dám đứng lại bảo vì không chịu nổi cảnh anh đánh đập nên phải dứt áo ra đi. Rồi chị quay sang nói với mẹ: “Mặc kệ hắn, đợi khi bản án có hiệu lực pháp luật con sẽ nhờ người đến bắt một đứa con về”.

Vậy là một tổ ấm đã vỡ! Hai đứa trẻ phải chịu cảnh chia lìa, phải tách khỏi nhau và tách khỏi bố mẹ khi còn quá non nớt!

 Nguồn TTO

  • Từ khóa
27414

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu