Thứ 4, 24/04/2024 12:42:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:52, 15/02/2018 GMT+7

CHÀO XUÂN MẬU TUẤT 2018

Chiến tranh nhân dân trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968

Thứ 5, 15/02/2018 | 14:52:00 2,097 lượt xem

BP - Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Sau chiến thắng Mậu Thân đã mở ra thời cơ mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, đánh bại “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của địch, buộc chúng phải tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh ở miền Nam, ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra (tháng 3-1968) và trên toàn bộ miền Bắc vào tháng 11-1968.

Nửa thế kỷ đã đi qua nhưng âm hưởng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 còn vang vọng, là kinh nghiệm quý báu cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay.

VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN

50 năm qua, đã có nhiều công trình tổng kết, các hội thảo khoa học, nghiên cứu, đánh giá, phân tích từng khía cạnh với những cách tiếp cận khác nhau về cuộc chiến Mậu Thân 1968. Các nhà khoa học lịch sử đều khẳng định, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, tất cả lực lượng cách mạng đều đã ra trận, trong đó quần chúng nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chính người dân ở tất cả địa phương miền Nam đã tích cực tham gia chuẩn bị cho chiến dịch, bao gồm nhiều giới, nhiều tầng lớp với những hình thức sinh động và hiệu quả. Lực lượng phụ nữ tham gia vào các đội biệt động, quân địa phương, làm giao liên, dân công và cứu thương. Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng cơ sở chính trị trong lòng thành phố, làm căn cứ lòng dân vững chắc trong khu dân cư. Sài Gòn - Gia Định cũng là nơi có phong trào của thanh niên, sinh viên, học sinh rất sôi nổi trong các thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh đã cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ quân giải phóng. Các tầng lớp khác như giáo chức, văn nghệ sĩ và nông dân ở vùng ven cũng đã hỗ trợ lực lượng vũ trang và đội ngũ đấu tranh chính trị công khai.

Chiến sĩ quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử gắn với phong trào cách mạng của quần chúng. Không có nhân dân thì bộ đội không thể nắm được tình hình, không vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào thành phố, không thể ém quân bí mật trong lòng thành phố và không có đủ vũ khí để chiến đấu. Một bộ phận nhân dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp tế cho bộ đội, che chở và nuôi dưỡng thương binh. Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã thể hiện rõ chân dung của chiến tranh nhân dân; là một cuộc phát động cách mạng trong quần chúng với quy mô lớn ngay trong sào huyệt quan trọng nhất của địch.

TẾT MẬU THÂN Ở BÌNH PHƯỚC

Bình Phước những năm 1966-1968 là địa bàn chiến lược của miền Đông, gồm 2 tỉnh Phước Long và Bình Long, là cửa ngõ để quân ta tiến về Sài Gòn - Gia Định. Trong những ngày chuẩn bị và diễn ra cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, quần chúng nhân dân Bình Long, Phước Long là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Năm 1966, bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng ra đời phản ánh khí thế cách mạng của quân và dân ta chuẩn bị cho một trận đánh lớn, đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân. Các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Mậu Thân hiện sinh sống ở Bình Phước, khi được hỏi về những ngày tháng hào hùng oanh liệt Mậu Thân 1968, ai cũng đều cho rằng đó là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ. Đại tá Huỳnh Thiện Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết, tết Mậu Thân ông cùng đơn vị ở Tây Ninh, làm nhiệm vụ thông tin. Mặc dù không được trực tiếp tham gia đánh trận nhưng ông vẫn theo dõi sát sao từng bước chân của quân ta và sẵn sàng ra trận khi có lệnh. Đại tá Đoàn Văn Thái, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 là một trong những mốc lịch sử “trận mạc” lớn đối với ông. Lúc bấy giờ ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu tại phía nam Sài Gòn nhưng luôn được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của nhân dân.

Ngày 29-12-2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia chủ đề “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”. Đây là hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ ba về chiến thắng xuân Mậu Thân 1968, hai lần trước diễn ra vào năm 1998 và 2008. Hội thảo có hơn 100 tham luận của các tướng lĩnh lão thành, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử trong và ngoài quân đội, đã nhìn lại về sự kiện lịch sử quan trọng, đúc kết ra các bài học, vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đọc lại những trang lịch sử hào hùng của tỉnh Bình Phước, chúng ta thấy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn tỉnh cũng không kém phần cam go, ác liệt nhưng thể hiện rõ vai trò của chiến tranh nhân dân. Quân và dân Phước Long, Bình Long đã “chia lửa” với toàn miền Nam, mở thông phòng tuyến cho bộ đội chủ lực tiến về Sài Gòn - Gia Định. Tại Bình Long, các đơn vị C70, C71, C75, đại đội đặc công, đại đội pháo kết hợp với 4 mũi công tác, đồng loạt tiến công, tập trung đánh vào các mục tiêu trong thị xã An Lộc (Bình Long). Trên địa bàn Chơn Thành, Lộc Ninh, các lực lượng vũ trang đã phối hợp với mặt trận chính An Lộc. Tại Chơn Thành, du kích thực hiện nhiệm vụ bao vây, pháo kích, đồng loạt tiến công vào chi khu, cảnh sát và một số mục tiêu khác, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở Lộc Ninh, một bộ phận Sư đoàn 7 chủ lực Miền phối hợp lực lượng vũ trang huyện và du kích tiến công, pháo kích vào chi khu, các mục tiêu địch trong thị trấn Lộc Ninh và các đồn bốt xung quanh, đánh địch ở Làng 5 (Lộc Tấn), Làng 2 (Lộc Thiện) và Lộc An, Lộc Hòa. Ở Phước Long, vào giờ G ngày 31-1-1968 (đêm mùng một tết Mậu Thân), Tiểu đoàn 212, Quân khu 10 cùng Tiểu đoàn 168, lực lượng đặc công tỉnh thực hiện tiến công quân sự, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân nổi dậy. Mục tiêu tấn công chính gồm các cứ điểm địch trong tỉnh lỵ Phước Long, quận lỵ Phước Bình, ấp chiến lược Chu Ninh (Bù Đốp). Ở Phước Bình, bộ đội ta xây dựng công sự bám trụ chiến đấu, đồng bào giúp vật liệu, dụng cụ và lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Ngày 1-2-1968, quân ta phát triển đánh chiếm xung quanh Sơn Trung, Sơn Hà, Sơn Giang, Tư Hiền và ấp chiến lược Bù Giai. Sáng 2-2-1968, vùng giải phóng trong các dinh điền Lệ An, Bù Rạt, Đức Bổn, Bù Nho huy động đồng bào chuẩn bị gậy gộc xuống đường khi có thời cơ. Quân dân tỉnh Phước Long đã đánh 117 trận, loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên Mỹ - ngụy, cùng với quân dân tỉnh Bình Long gây cho địch tổn thất nặng nề. Tại Đồng Xoài, trung đội địa phương, trong đó có nhiều chiến sĩ là người dân tộc thiểu số đã xông lên tấn công bọn dân vệ. Ở Bù Đăng, quân ta tấn công các yếu khu Bù Na, hệ thống ấp chiến lược Vĩnh Thiện, Bù Môn, phát động quần chúng nổi dậy, giành chính quyền... (*)

Bộ đội vượt sông hành quân trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968

Thanh niên xung phong tải đạn phục vụ chiến dịch tết Mậu Thân 1968

Núi Bà Rá và những căn nhà ở thị xã Phước Long những năm 1963-1965

Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt tết Mậu Thân 1968 đã làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán. Trận chiến Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Đức Hồng
(*) Bài viết sử dụng nguồn “Lịch sử Bình Phước kháng chiến” (1945-1975)
(*) Trong trang sử dụng ảnh tư liệu

  • Từ khóa
20033

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu