Thứ 4, 24/04/2024 00:30:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:52, 10/08/2013 GMT+7

Người tiêu dùng cần biết bảo vệ quyền lợi của chính mình

Thứ 7, 10/08/2013 | 16:52:00 412 lượt xem

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Phước được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 2560/QĐ-UBND, ngày 11-9-2009 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, gần 4 năm qua, người tiêu dùng trong tỉnh ít biết đến hội này. Đơn giản vì chưa có bảng hiệu, trụ sở lại đang ở “ké” Sở Công thương; 100% thành viên ban chấp hành và thư ký hội đều là kiêm nhiệm, hội viên ít, kinh phí hoạt động không có...


Ông Cao Văn The, Phó chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh xử lý đơn phản ánh của người tiêu dùng

Tại cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 vừa qua, hội tiếp tục kiến nghị Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh duyệt chi hỗ trợ một phần kinh phí, trong đó tập trung hỗ trợ công tác tuyên truyền vận động kết nạp hội viên, tuyên truyền pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng ở mạng lưới đài truyền thanh cơ sở và in ấn tờ rơi phát hành tại các chợ, thị trấn, thị tứ...

Khó khăn là vậy, nhưng thời gian qua hoạt động của hội đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể là thông qua số điện thoại đăng trên Báo Bình Phước, người tiêu dùng đã có địa chỉ để phản ánh, khiếu nại đến lãnh đạo hội và được giải quyết kịp thời. Thời gian gần đây, hội đã có nhiều việc làm thiết thực, giúp đỡ người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm. Điển hình vào tháng 12-2012, cô Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Minh Thắng (Chơn Thành) vay ngân hàng mua một máy vi tính xách tay để phục vụ công việc. Cô Linh mua máy tại cửa hàng T.H.G ở thị xã Đồng Xoài, trị giá gần 20 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ sau một tuần máy bị hư, do lỗi phần mềm không thể khắc phục, vì máy đã qua sử dụng, có xuất xứ từ Tây Ban Nha. Cô Linh khiếu nại với cửa hàng thì được nhân viên hướng dẫn đổi máy khác với giá 17 triệu 890 ngàn đồng. Sau 10 ngày, chiếc máy thứ 2 lại bị trục trặc, không sử dụng được. Tuy nhiên, khi thắc mắc khiếu nại thì chủ cửa hàng không hợp tác giải quyết mà còn có những lời lẽ nặng nề... Nhận được đơn khiếu nại, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cử cán bộ đến cửa hàng giải quyết. Cửa hàng này đã nhận máy và trả lại tiền cho cô Linh. Trao đổi với phóng viên, cô Linh bày tỏ: “Cảm ơn cách giải quyết nhiệt tình, trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường. Song, với tôi dấu ấn khó quên là thái độ niềm nở, sự tận tâm của cán bộ trực tiếp đến giải quyết vụ việc”.  

Tiếp đó, ngày 28-6-2013, Đồn biên phòng cửa khẩu Hoa Lư mua một tivi tại cửa hàng kim khí điện máy Hoàng Sơn, ở chợ thị trấn Lộc Ninh (Lộc Ninh), nhưng sau thời gian ngắn thì không sử dụng được. Dù còn trong thời gian bảo hành nhưng cán bộ đồn đã làm mất giấy bảo hành. Do vậy, chủ cửa hàng từ chối trách nhiệm bảo hành. Tuy nhiên, qua can thiệp kịp thời của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, công ty đã cử cán bộ đến tận đồn nhận lại tivi để bảo hành. Và còn một số vụ việc khác tương tự.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17-11-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Theo đó, luật quy định: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” (Khoản 1 Điều 4). Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: thương lượng; hòa giải; trọng tài; tòa án”(Khoản 1 Điều 30).

Bên cạnh những thông tin tích cực nêu trên, hiện vẫn còn rất nhiều thông tin phản ánh thiếu khách quan, thiếu trung thực, làm mất thời gian, công sức của các cơ quan chức năng. Vụ việc ông Nguyễn Đức Hòa (63 tuổi), ngụ khu phố Tân Bình, phường Tân Bình (TX. Đồng Xoài) phản ánh trạm xăng dầu Đồng Xoài ở phường Tân Đồng bán thiếu số lượng cho người mua. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng (Sở Khoa học - Công nghệ) đến kiểm tra thực tế thì không đúng như phản ánh. Hoặc đơn phản ánh của ông Phạm Văn Mai, ngụ xã Minh Lập (Chơn Thành) cho rằng ông mua sữa Familk tại chợ Minh Lập không đạt chất lượng. Sau khi cán bộ hội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, UBND xã Minh Lập xuống xác minh, nguyên nhân sữa hư hỏng là do ông Mai bảo quản không đúng với hướng dẫn của nhà sản xuất...

Cả nước hiện có gần 50/63 tỉnh, thành đã có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là tổ chức xã hội hoạt động tự nguyện, nhằm phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện còn rất ít người dân biết đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh, các quyền lợi liên quan khi họ tham gia hội viên; cách thức tiếp cận nhờ tư vấn, can thiệp khi quyền lợi tiêu dùng của họ bị xâm hại. Rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện tốt hơn để hội đi vào hoạt động hiệu quả, thiết thực và là địa chỉ đáng tin cậy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Tiến Thuận

  • Từ khóa
46241

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu