Thứ 7, 20/04/2024 19:18:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:18, 10/11/2017 GMT+7

Chiến lược khả quan nhất

Thứ 6, 10/11/2017 | 08:18:00 106 lượt xem

BP - Người dân các tỉnh phía Bắc và miền Trung chưa kịp hoàn hồn sau hai cơn bão số 10 và 11, thì cơn bão số 12 - một cơn bão có sức tàn phá cận kề mức hủy diệt, lại ập tới. Dù cơ quan khí tượng thủy văn cùng các cơ quan truyền thông đã tăng thời lượng tuyên truyền, song thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 12 gây ra vẫn ngoài sức tưởng tượng. Thời điểm này đã có 63 người chết và mất tích. Nhiều vùng quê tại Khánh Hòa (Nha Trang) tan hoang như bình địa.

Những năm gần đây, nước ta liên tiếp hứng chịu thiên tai, bão lũ với tần suất và cường độ ngày càng tăng; mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Cứ mỗi mùa mưa bão, các tin tức, hình ảnh về những cảnh tượng tang thương do bão, lũ gây ra lại tràn ngập các trang báo. Sự mất mát quá lớn do thiên tai mang tới khiến người ta phải đi tìm nguồn cơn của nó. Và nguyên nhân không gì khác, chính là rừng đầu nguồn đã bị mất quá nhiều do bị phá hoại và do cả việc phát triển các dự án công nghiệp, các công trình xây dựng trên đất rừng...

Bên cạnh đó là các hồ thủy điện trên thượng nguồn các con sông mà khi cấp phép, dường như cơ quan chức năng không tính hết sự tác động đến môi trường và hệ sinh thái. Rồi cùng với một diện tích lớn rừng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các công trình thủy điện, thì cứ tới mùa mưa nước lớn, các nhà máy thủy điện lại phải xả lũ để cứu đập, lại càng nhấn những vùng hạ lưu ngập sâu hơn. Chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho việc để mất rừng. Chỉ tính 12 cơn bão cho đến thời điểm này đã khiến hàng chục ngàn hộ bị mất nhà hoặc hư hỏng nặng và không thể kể hết những công trình, diện tích canh tác của người dân và của Nhà nước bị bão lũ phá hỏng, cuốn trôi...

Không thể phủ nhận những năm gần đây, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến chiến lược phòng, chống thiên tai. Trước mỗi mùa mưa bão, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn Trung ương đều họp và đưa ra các biện pháp ứng phó. Ngay tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận sáng 2-11, cùng với vấn đề tăng trưởng, một nội dung được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chọn để báo cáo thêm là công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Trong đó đưa ra con số tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP, tương đương khoảng gần 1,3 tỷ USD. Riêng từ đầu năm đến nay, bão và áp thấp nhiệt đới đã làm 245 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 36.000 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Những con số này chưa cập nhật thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra. Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, lấy phòng ngừa là chính. Nhưng có lẽ không có chiến lược nào khả quan hơn là từng bước trả lại những mảng xanh của rừng, từng bước tạo dựng lại sự cân bằng sinh thái.

Rừng mất thì cũng đã mất. Các công trình thủy điện dày đặc trên thượng nguồn các con sông cũng đã xây xong. Vấn đề còn lại là phải cố mà giữ lấy những diện tích rừng còn sót lại và phải nhanh chóng trồng thêm rừng trên những diện tích ngập mặn. Như thế thì chúng ta mới có thể phòng, chống bão lũ một cách bền vững và từng bước kéo lùi con số thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu