Thứ 6, 29/03/2024 04:53:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:48, 23/06/2016 GMT+7

Chiến lược cho tài nguyên

Thứ 5, 23/06/2016 | 08:48:00 118 lượt xem

BP - Ngày 20-6, tại hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh quan trọng, không chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy một vấn đề rất quan trọng trong chiến lược quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp thời gian tới không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà còn đối với tất cả các địa phương trong cả nước, trong đó chắc chắn trọng tâm sẽ có Bình Phước - tỉnh liền kề với Tây Nguyên và có diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng diện tích tự nhiên.

Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Bình Phước có diện tích tự nhiên 687.154 ha, 17 lâm trường, ban quản lý rừng quản lý 314.029 ha đất lâm nghiệp, trong đó phần lớn là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Hiện nay Bình Phước còn 178.757 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng 31.282 ha, rừng phòng hộ 44.925 ha, rừng sản xuất 102.550 ha. Đây là số liệu trong báo cáo, diện tích thực tế đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ hiện có thể thấp hơn nhiều. Rừng tự nhiên của Bình Phước hiện chỉ còn ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập (diện tích trên bản đồ 25.788,6 ha) và một số khu vực “da beo” ở vùng đệm của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên.

Khoảng 10 năm qua, để phục vụ phát triển kinh tế, Bình Phước được Chính phủ chấp thuận chuyển đổi diện tích lớn rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Hệ quả là diện tích đất rừng của Bình Phước giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường tự nhiên. Mùa khô vừa qua đã cho thấy hệ quả trực tiếp của sự ảnh hưởng đó khi các hồ chứa và hệ thống nước ngầm trên địa bàn tỉnh nhanh chóng cạn kiệt bởi không có nước bổ sung từ rừng đầu nguồn.

Hình thành một cánh rừng nguyên sinh phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Để khôi phục một cánh rừng tự nhiên phải mất hàng chục năm, hàng trăm năm và kèm theo nhiều điều kiện khác. Điều đó cho thấy việc khôi phục lại những cánh rừng bạt ngàn của Bình Phước là “nhiệm vụ bất khả thi”. Vấn đề này không chỉ ở Bình Phước mà còn với tất cả các tỉnh, thành khác trong cả nước. Phạm vi rộng hơn, không nhiều quốc gia trên thế giới đủ tiềm lực và ý chí làm được việc này.

Tuy nhiên, trước nguy cơ biến đổi khí hậu có khả năng tàn phá ở phạm vi toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những nước đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới đã hiện hữu, thì việc đầu tiên chúng ta cần phải hành động là giữ lấy những gì còn lại cho đến hôm nay. Bài học từ nhiều địa phương, rộng hơn là từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế là giải pháp tệ nhất trong số các giải pháp tệ. Dù vậy, với thực tiễn hiện nay, chúng ta cũng không thể làm ngược lại là phá bỏ diện tích cây công nghiệp để trồng lại rừng.

Tại hội nghị diễn ra ở Đắk Lắk ngày 20-6, trong tổng hợp các giải pháp khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hiện nay chúng ta đã có diện tích cây công nghiệp rộng lớn, vì vậy cần tập trung thâm canh, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, không tăng diện tích tràn lan. Đây chắc chắn là giải pháp hữu hiệu, là chiến lược cực kỳ quan trọng trong thời gian tới không chỉ ở Tây Nguyên, Bình Phước mà còn trong phạm vi toàn quốc.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu