Thứ 6, 29/03/2024 15:54:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:29, 08/08/2017 GMT+7

Chiến dịch dân số góp phần thay đổi nhận thức người dân

Thứ 3, 08/08/2017 | 15:29:00 133 lượt xem
BP - Với mục đích tăng cường tuyên truyền vận động, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) có chất lượng, hiệu quả tới người dân vùng khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao, từ ngày 15-7 đến 15-8-2017, huyện Bù Gia Mập triển khai chiến dịch tại 3 xã Đa Kia, Phú Văn, Phú Nghĩa và huy động các xã còn lại hưởng ứng chiến dịch.

Niềm vui được chăm sóc SKSS miễn phí

Ngày đầu tiên thực hiện chiến dịch, Trạm Y tế xã Phú Văn đã tiếp nhận 59 chị đến tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Nhân viên y tế phải làm việc không ngơi tay, tuy nhiên ai cũng vui vẻ vì cảm thấy việc làm có ý nghĩa. Bà Nguyễn Thị Hoài Nam, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã cho biết: Phú Văn có 3/7 thôn đông đồng bào dân tộc thiểu số là Đắk Son 2, Đắk Khâu và Thác Dài. Do kinh tế còn khó khăn, nhận thức hạn chế nên đa số chị em ít quan tâm đến chăm sóc SKSS, có chị sinh nhiều, sinh dày làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do vậy, đây là cơ hội tốt để chị em được tư vấn, thăm khám miễn phí, nâng cao sức khỏe bản thân.

Đội lưu động tư vấn chị em lựa chọn thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại chiến dịch

Chị Thị Thanh ở thôn Đắk Son 2 đến chiến dịch để khám phụ khoa. Chị Thanh cho biết đã lâu chị không khám phụ khoa vì nhà xa, kinh tế khó khăn và bận làm việc kiếm tiền nuôi con. Không chỉ chị mà đa số phụ nữ trong thôn đều như vậy. Vì thế, nhân đợt chiến dịch này chị em trong thôn đã đến để được khám, tư vấn miễn phí. Chị Thị Thanh nói: “Đến khám tôi mới biết có dịch vụ soi tươi và làm pas để tìm bệnh phụ khoa, ung thư. Trước giờ chị em chỉ biết đến khám phụ khoa, siêu âm. Ngoài ra còn được nhân viên y tế tuyên truyền phải thăm khám định kỳ để chăm sóc sức khỏe”. Chiến dịch tại Trạm Y tế xã Phú Văn thực hiện siêu âm sản phụ khoa cho các đối tượng có nhu cầu với chi phí 50 ngàn đồng/ca (để mua vật tư và in phiếu); gói dịch vụ soi tươi và làm pas ưu tiên thực hiện miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Khi hết chỉ tiêu, đội lưu động sẽ thực hiện dịch vụ khi đối tượng có nhu cầu với mức thu 25 ngàn đồng/ca soi tươi và 100 ngàn đồng/ca làm pas. Chị Nguyễn Thị Hoài, cán bộ chuyên trách dân số (DS)-KHHGĐ xã Phú Văn cho biết: Chiến dịch mới bắt đầu nhưng đã có 67 ca khám phụ khoa, 36 ca soi tươi, 35 ca làm pas và 47 trường hợp siêu âm. Nhìn chung đa số chị em rất phấn khởi và tích cực tham gia khi chiến dịch về tận nơi.

Cần nhiều hơn chiến dịch dân số

Yêu cầu sau khi kết thúc chiến dịch xã Phú Văn phải có 357 ca thực hiện biện pháp tránh thai, 216 ca thực hiện chống viêm nhiễm đường sinh sản. Chị Nguyễn Thị Hoài, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phú Văn cho biết chỉ tiêu này khá cao. Chiến dịch hỗ trợ rất lớn để xã đạt các chỉ tiêu DS-KHHGĐ hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây do không tổ chức được chiến dịch thường xuyên nên hoạt động này chỉ cầm chừng. Trong khi đó các chỉ tiêu sinh con thứ 3, KHHGĐ của xã lại có chiều hướng tăng cao, nhất là ở các thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cộng tác viên thường xuyên biến động do phụ cấp bị ngắt quãng nên công tác tuyên truyền khó khăn. Chị Lâm Thị Phương ở thôn Đắk Khâu cho biết: Lâu lắm rồi mới thấy chiến dịch về tận xã nên tôi thực hiện một số dịch vụ để thăm khám, chăm sóc SKSS. Tôi nghĩ có tốn tiền các chị em cũng chấp nhận vì vẫn đỡ hơn phải đi xa. Tôi mong thời gian tới có nhiều hơn những chiến dịch như thế này để chị em đỡ vất vả.

Bà Nguyễn Thị Hoài Nam, nhân viên Trạm Y tế xã Phú Văn cho rằng, chị em ở vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS. Chị Nam cho biết: Có chị muốn không sinh thêm con nữa nhưng không biết phải làm thế nào? Một số chị không khám phụ khoa vì ngại,  thậm chí “lỡ khám rồi các chị đặt vòng làm sao tôi sinh được nữa”. Thậm chí có chị mang thai mà không biết!? Tại các thôn, khi cộng tác viên dân số đến tận nhà vận động, có hộ không tiếp đón vì nghĩ “ tôi sinh con tôi nuôi”, “sinh nhiều con mới có người lao động”, “sinh cho đủ trai đủ gái mới thôi”. Vì vậy ở xã Phú Văn vẫn còn không ít gia đình sinh con thứ 5, thứ 6 mà vẫn chưa dừng lại. Còn một bộ phận nhỏ người dân khi vận động tham gia chiến dịch thì từ chối...

Trực tiếp tham gia giám sát chiến dịch tại Trạm Y tế xã Phú Văn và trao đổi cùng người dân, ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Phước trăn trở: Công tác DS-KHHGĐ tỉnh thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng “mảng tối” vẫn còn, nhất là ở những vùng sâu, xa, đông dân, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Là người làm công tác quản lý, tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của ngành và mong muốn được các cấp quan tâm nhiều hơn nữa về nguồn lực để thường xuyên tổ chức các đợt chiến dịch nhằm đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh trong tương lai.

P.Dung

  • Từ khóa
59342

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu