Thứ 6, 29/03/2024 22:45:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:35, 13/08/2015 GMT+7

“Việt Nam không phải nước lớn nhưng luôn được nước khác quan tâm”

Thứ 5, 13/08/2015 | 09:35:00 1,445 lượt xem
BPO - Bên lề hội thảo “70 năm ngoại giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Bộ Ngoại giao tổ chức vào sáng 12-8, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình chia sẻ: “Trước đây, khi Việt Nam chưa mở rộng thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới, tại các diễn đàn quốc tế, những người làm ngoại giao Việt Nam thường chỉ đứng riêng một góc. Thế nhưng, hiện nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Từ một nước bị cô lập, Việt Nam đã phá thế bao vây, chủ động hội nhập. Tuy Việt Nam không phải là một nước lớn nhưng luôn được các quốc gia khác quan tâm.”
Quang cảnh Hội nghị Geneva

Theo ông Nguyễn Phú Bình, điều này được thể hiện qua việc Việt Nam là một thành viên tích cực, góp những tiếng nói quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009).

Đến tháng 8-2015, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 thành viên Liên hợp quốc; quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước; quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước; quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

“Nếu không có sự mở rộng quan hệ này, Việt Nam không thể có được sự phát triển như ngày hôm nay. Trước đây, nói đến Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ về những cuộc chiến tranh khốc liệt. Hiện nay, Việt Nam đã khẳng định mình là một quốc gia hòa bình, độc lập và ổn định; một dân tộc với khát vọng hòa bình; một điểm đến thú vị với cộng đồng quốc tế,” nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

​Ông Bình cũng đưa ra ví dụ về việc Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích cố đô Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ…) và di sản thiên nhiên thế giới (quần thể danh thắng Tràng An, vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng…)

​Nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng khẳng định​ việc đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam thông qua các hoạt động quảng bá, hợp tác văn hóa là một hướng đi tích cực; từ đó mở rộng quan hệ với các nước và khẳng định bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

“Cùng với đó, tôi cho rằng, ngoại giao nhân dân luôn phải song hành cùng ngoại giao nhà nước,” ông Nguyễn Phú Bình bày tỏ quan điểm.

Học sinh Mỹ lao động tình nguyện tại Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng làng Hòa Bình, Hà Nội

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, Việt Nam đấu tranh trên ba mặt trận: ​quân sự, ​chính trị và ngoại giao. Sau khi giành thắng lợi trên chiến trường, đấu tranh ngoại giao nhà nước sẽ kết thúc cuộc chiến bằng các hiệp định, biên bản cụ thể.

Cùng với đó, ngoại giao nhân dân góp phần quan trọng vào việc khẳng định tính chất chính nghĩa, kêu gọi sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Bước sang thời bình, ngoại giao nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ với các cựu thù, song hành cùng ngoại giao nhà nước trong việc thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế.

“Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam (từ ngày 6 đến 8-8), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự xúc động khi chính phủ, nhân dân Việt Nam hỗ trợ tích cực quá trình tìm kiếm người Mỹ bị mất tích trong chiến tranh. Người dân Việt Nam sẵn lòng cho đào xới cả sân nhà, ruộng vườn của họ lên để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ. Tôi tin rằng, điều này có tác động sâu sắc tới tiến trình hòa giải, bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ cũng như chính sách của Mỹ đối với Việt Nam. Chính sách đối ngoại của mọi quốc gia đều được đưa ra dựa trên điều kiện, tình hình thực tế,” ông Nguyễn Phú Bình​ nói.

​Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: kể từ ngày thành lập (28/81945), ngành ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước kia cũng như sự nghiệp ​đổi mới, hội nhập và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay, củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo

“Những định hướng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng về hội nhập quốc tế, đưa quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, tích cực chủ động trong hợp tác khu vực (nhất là trong ASEAN) và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước cũng phải được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả hơn với sự đồng thuận lớn hơn trong thời gian tới,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
13684

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu