Thứ 7, 20/04/2024 21:05:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:44, 22/07/2013 GMT+7

Chỉ nên đánh giá tín nhiệm 2 mức

Thứ 2, 22/07/2013 | 14:44:00 1,471 lượt xem

"Không nên tiếp tục đánh giá tín nhiệm với 3 mức như hiện nay", đó là ý kiến của Giáo sư Lưu Văn Đạt (ảnh), Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, khi trao đổi với PV Thanh Niên về phương thức đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chỉ nên đánh giá tín nhiệm 2 mức

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi tại QH, HĐND các cấp với mức độ tín nhiệm của tất cả các chức danh đều đạt quá bán, giáo sư có nhận xét gì về hiệu quả, tác động của việc lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 của QH?

Trước khi QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn, điều mà tôi lo nhất là vị nào cũng đạt tín nhiệm cao, không ai có tín nhiệm thấp và việc đánh giá sẽ nặng về hình thức, có sự xuê xoa, nể nang. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại đã không xảy ra. Kết quả đánh giá tín nhiệm cho thấy các ĐBQH đã thể hiện rõ chính kiến, bản lĩnh của mình.

Kết quả thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cũng thể hiện rõ một điều, những ngành nào có vấn đề, lĩnh vực nào có nhiều bức xúc thì tư lệnh ngành đó đều có phiếu tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, kết quả đó chủ yếu là sự đánh giá về hoạt động của ngành, lĩnh vực mà chưa thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân của từng vị được lấy phiếu. Trong khi, theo tôi đó mới là điều cơ bản hàng đầu khi lấy phiếu tín nhiệm.

Vừa rồi, Đoàn Chủ tịch mặt trận đề nghị sắp tới chỉ nên đưa ra 2 mức tín nhiệm để tránh tình trạng “hòa cả làng” nếu cứ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức như hiện nay, dẫn đến sẽ rất khó thay thế được những người yếu kém, có sai phạm ra khỏi bộ máy nhà nước...

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay gần như “hòa cả làng”. Cho nên tôi tán thành ý kiến tại hội nghị vừa rồi của Đoàn Chủ tịch mặt trận đề nghị đưa ra 2 mức: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Nếu đạt tín nhiệm thì chức danh đó tiếp tục làm việc, ngược lại, không được tín nhiệm quá bán thì phải được chuyển sang một việc khác thích hợp.

 
 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay gần như “hòa cả làng”. Cho nên tôi tán thành ý kiến tại hội nghị vừa rồi của Đoàn Chủ tịch mặt trận đề nghị đưa ra 2 mức: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm

 
 
 

Tôi cho rằng, chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm trong những trường hợp cần thiết phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Hiến pháp năm 1992 và luật Hoạt động giám sát của QH quy định tối thiểu phải có 20% ĐBQH đề nghị mới đưa một chức danh nào đó trong bộ máy nhà nước ra bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi đề nghị cần xem lại quy định này theo hướng chỉ nên quy định có 5% hoặc 10% ĐBQH đề nghị thì đưa ra QH bỏ phiếu tín nhiệm. Định kỳ hằng năm, Ủy ban TVQH cần chủ động yêu cầu các ĐBQH đề xuất các trường hợp đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Ngoài ra, tôi đề nghị bổ sung các quy định hiện hành như: Các thông tin phản ánh về tiêu cực, sai phạm của bất kỳ chức danh nào (do QH bầu hoặc phê chuẩn) trên báo chí mà có bằng chứng thuyết phục, Ủy ban TVQH cần chủ động đưa ra xin ý kiến ĐBQH để bỏ phiếu chức danh đó. Mặt trận Tổ quốc cũng phải có trách nhiệm về việc này. Trong trường hợp có từ 2/3 thành viên Đoàn Chủ tịch mặt trận đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh nào đó, Ủy ban TVQH cũng cần chủ động xin ý kiến các ĐBQH để nếu có 5%, hoặc 10% ĐBQH đồng ý thì đưa chức danh đó ra bỏ phiếu tại QH. Tôi nghĩ, nếu làm theo cách trên thì tính răn đe đối với các chức danh giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước từ T.Ư tới địa phương sẽ rất cao.

Trường hợp các chức danh khác không có vấn đề gì thì không cần đưa ra lấy phiếu tín nhiệm ở QH hay HĐND.

Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì phương thức đánh giá tín nhiệm như vừa rồi trong những lần kế tiếp, giáo sư nhìn nhận tác động, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND các cấp sẽ như thế nào, cả ở góc độ ĐBQH, người dân, cũng như chính bản thân người thuộc diện được đánh giá tín nhiệm?

Ở góc độ nhân dân, theo tôi biết nhiều người dân không tán thành để 3 mức tín nhiệm như hiện nay vì nó không dẫn đến hệ quả gì trong việc bỏ phiếu. Vì vậy, việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm sẽ tốn kém, mất thời gian nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực như chủ trương chúng ta đặt ra, cũng như không đáp ứng được mong đợi, đòi hỏi của người dân là qua lấy phiếu sẽ tôn vinh, ghi nhận những người có đóng góp xứng đáng và ngược lại, sẽ thay thế những người yếu kém về năng lực điều hành, quản lý, vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Còn đối với những người thuộc diện lấy phiếu, nếu chờ 2 năm liên tục có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm như quy định tại NQ 35 của QH thì lúc đó các vị đó cũng đã hết nhiệm kỳ. Khi ấy, việc lấy phiếu sẽ không còn là động lực thúc đẩy họ phải nỗ lực phấn đấu để tạo chuyển biến rõ rệt về kết quả hoạt động của ngành, lĩnh vực mà mình được giao điều hành, quản lý.

Chỉ nên đánh giá tín nhiệm 2 mức

Các ĐB bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp QH vừa qua

 

Uống kháng sinh lâu không có liều cao sẽ “nhờn” thuốc
 
Đúng là lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu và công khai rộng rãi, mọi người dân đều rất háo hức chờ đợi và xem kết quả tín nhiệm từng vị lãnh đạo chủ chốt thế nào. Nhưng nếu lần 2, lần 3, lần 4 cũng tiếp tục lấy phiếu thế này, và cũng một kết quả chung tất cả đều đạt tín nhiệm cao hoặc khá, hoặc trên trung bình, thì lúc đó cử tri và người dân thử hỏi còn quan tâm đến việc đánh giá tín nhiệm nữa không, có còn tin vào việc lấy phiếu nữa không? Còn những người thuộc diện được lấy phiếu thì dễ nảy sinh tâm lý nhờn đi vì nghĩ kiểu gì mình cũng đạt tín nhiệm. Kháng sinh uống lâu dài mà không có liều cao thì sẽ nhờn thuốc. Đó là lý do tôi đề xuất từ năm tới nên thực hiện quy định bỏ phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND với 2 mức tín nhiệm: tín nhiệm và không tín nhiệm, thay vì 3 mức như hiện nay.

Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH

(Theo TNO)

  • Từ khóa
8624

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu