Thứ 7, 20/04/2024 03:00:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:26, 22/11/2015 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ:

Chỉ được hỏi cung khi có người bào chữa

Chủ nhật, 22/11/2015 | 14:26:00 3,413 lượt xem

BP - Ở Điểm g, Khoản 2, Điều 59 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (Dự thảo Online) là những quy định về quyền của bị can, với nội dung như sau: Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;... và tại Điểm e, Điều 60 có quy định: Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;... Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa rõ ràng, chưa chuẩn xác về mặt ngữ nghĩa. Vì vậy, tôi đề xuất ở hai điểm trên cần bỏ dấu phẩy (,) và thay vào đó bằng từ “hoặc”. Như vậy, Điểm g, Khoản 2 của Điều 59 được viết lại như sau: Tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa;... Và tại Điểm e, Khoản 2, Điều 60 được viết lại như sau: Tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa;...

Và tại Điểm h, Khoản 2 của Điều 59 quy định bị can: Được đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;... đây là một trong những điểm mới trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi và điểm mới này thể hiện rõ quyền công dân, quyền con người của bị can khi chưa bị tước quyền công dân. Tuy nhiên, tôi đề nghị ban soạn thảo cần viết cụ thể và rõ ràng hơn, nhằm tránh việc bị can lợi dụng những tài liệu có liên quan đến vụ án rồi ghi chép không trung thực, hoặc xuyên tạc từ ngữ trong tài liệu nhằm trốn tránh tội lỗi của mình. Vì ai cũng biết, ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú, đa nghĩa, đồng nghĩa, nên chỉ cần chép sai một từ cũng làm sai lệch bản chất của hành vi phạm tội.

Tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều 120 trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự là những quy định về lựa chọn người bào chữa, với quy định như sau: Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam có yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam phải lập biên bản ghi lại yêu cầu nhờ người bào chữa của họ và chuyển ngay biên bản đó cho người bào chữa mà họ nhờ; nếu họ không nêu đích danh người bào chữa thì biên bản này được chuyển cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa. Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để thỏa thuận về việc nhờ người bào chữa....

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng với tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt đã thể hiện đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, đối chiếu với tình hình thực tế hiện nay trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là trong quá trình tố tụng, tôi đề nghị ban soạn thảo sửa lại tiêu đề này. Cụ thể, sửa tiêu đề của điều này từ: Lựa chọn người bào chữa, sang: Đăng ký người bào chữa. Xét về ngữ nghĩa thì trong quá trình đăng ký người bào chữa, thì bị can và thân nhân của người có hành vi phạm tội cũng đã có sự lựa chọn. Bên cạnh đó, hiện nay có không ít trường hợp khi nghi can bị tạm giữ, bị đe dọa và động viên hoặc thuyết phục từ chối luật sư do gia đình mời. Thậm chí có trường hợp bị ép không được chọn luật sư bào chữa, đây chính là nguyên nhân của bức cung, nhục hình và cũng là lý do tại sao nhiều điều tra rất ngại có luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra... và cuối cùng thì đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ án oan sai.

Các điểm a, b, c và d trong Khoản 1 của Điều 119 là những quy định về quyền của người bào chữa, với nội dung như sau: Gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; Có mặt trong những hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;... Theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc điều luật quy định như trên là đúng, nhưng không đầy đủ và không đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động tố tụng. Lý do là luật sư hay người bào chữa vì một lý do nào đó mà cơ quan điều tra không mời, không thông báo cho biết nên không có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ việc hỏi cung này có bảo đảm tính minh bạch hay không? Và khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung không đồng ý thì người bào chữa có được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can?

Để đảm bảo cho tính minh bạch, công khai và dân chủ trong hoạt động tố tụng, tôi đề xuất cần phải quy định cụ thể trong điều luật là người bào chữa phải có trách nhiệm có mặt khi cơ quan tố tụng tiến hành các hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra chỉ được tiến hành các hoạt động này khi có mặt người bào chữa. Và chỉ quy định như vậy mới bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và tránh được bức cung, nhục hình.

N.V

  • Từ khóa
14435

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu