Thứ 4, 24/04/2024 10:38:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:40, 12/06/2013 GMT+7

Chi cục kiểm lâm Bình Phước xác minh thông tin báo nêu

Thứ 4, 12/06/2013 | 13:40:00 4,703 lượt xem

L.T.S: Báo Bình Phước số ra ngày 24-5-2013, có đăng bài: “Rừng trên núi Bà Rá đang bị chặt phá”. Nội dung bài báo phản ánh rừng tại núi Bà Rá bị chặt phá do chủ rừng, địa phương và các cơ quan chức năng liên quan thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Sau khi số báo được phát hành, ngày 4-6-2013, Báo Bình Phước đã nhận được báo cáo số 354/BC-KL của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về việc xác minh nội dung bài báo trên. Báo Bình Phước xin đăng tải toàn bộ nội dung báo cáo.

>> Rừng trên núi Bà Rá đang bị chặt phá
>> Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu điều tra, xử lý việc báo nêu

Ngày 28-5-2013, Chi cục Kiểm lâm đã cử đoàn công tác do Phó chi cục trưởng chủ trì, phối hợp với đại diện Công an thị xã Phước Long; UBND phường Sơn Giang, thị xã Phước Long và Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long (đồng thời là đơn vị được giao quản lý Khu di tích lịch sử - văn hóa núi Bà Rá), tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình, mức độ khai thác gỗ trái phép trên toàn bộ khu vực núi Bà Rá trong hai ngày 28 và 29-5-2013. Trên cơ sở báo cáo của đoàn kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm báo cáo các cấp lãnh đạo nội dung sau:

Về tình hình khai thác gỗ trái phép trên núi Bà Rá

Trong nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng người dân lén lút khai thác trái phép gỗ, chủ yếu là gỗ chủng loại da đá, nhóm 2 (theo phân loại nhóm gỗ; không phải thuộc nhóm IIA theo phân loại tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) và đến nay, tệ nạn này vẫn còn tiếp tục diễn biến mà địa phương và Hạt Kiểm lâm Phước Long chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.


Một cây da đá bị đốn hạ ở khu vực phía Tây sườn núi Bà Rá (ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 9-5-2013)

Gỗ khai thác trái pháp luật trên khu vực núi Bà Rá thường bị cưa hạ vào buổi tối, theo phương pháp dùng cưa xăng cưa hạ từ gốc lấy đi khoảng 6m; cắt lóng gỗ dài 1,3m, dùng sức người kéo, bẩy lê theo đường dốc xuống chân núi, cất giấu ở các vườn điều của dân quanh chân núi, khi thuận tiện dùng “xe môtô lắp ráp” chở đi tiêu thụ. Với phương thức khai thác trộm nêu trên, các đối tượng cảnh giới rất tinh vi, khi gặp lực lượng phối hợp với kiểm lâm thì báo động, chống trả hoặc bỏ chạy do rừng rậm, núi dốc rất khó truy bắt.

Trong các tháng đầu năm 2013, Hạt kiểm lâm phối hợp với lực lượng địa phương tuần tra, kiểm tra phát hiện 32 cội gỗ bị cưa hạ trái phép. Trong đó 21 cội là cây da đá và 11 cội là cây gỗ tạp (nhóm 6 đến nhóm 8), đường kính bình quân là 30cm, ước tính tổng khối lượng là 13,571m3. Gỗ đã bị lấy đi gần hết chỉ còn lại cành, ngọn và vài lóng ngắn kém chất lượng, nhưng không thu hồi được vì đường dốc, núi đồi, chi phí thu hồi cao. Ngoài ra, hạt tổ chức thu hồi về 8 lóng gỗ da đá, khối lượng 0,603m3 do các đối tượng cưa hạ từ trên núi, đem về cất giấu tại các vườn điều dưới chân núi để chờ cơ hội tiêu thụ trái phép. Hạt cũng phối hợp đơn vị cáp treo và Công an thị xã Phước Long bắt giữ 0,190m3 gỗ da đá và 2 xe môtô lắp ráp vận chuyển (các đương sự vi phạm đã bỏ phương tiện và tang vật chạy thoát).

Việc kiểm tra trong hai ngày 28, 29-5, do Chi cục Kiểm lâm chủ trì, được thực hiện tại 3 khu vực có tập trung phân bố nhiều cây gỗ da đá là hướng Tây núi Bà Rá (hướng Cây Da thuộc khu 2, phường Thác Mơ); khu vực hồ ông Nhớ (hướng Tây Nam núi Bà Rá, thuộc thôn Phước Lộc, xã Phước Tín) và khu vực phía trái đồi Bằng Lăng; trong đó có các địa điểm nêu trong bài báo “Rừng trên núi Bà Rá đang bị chặt phá”. Kết quả cụ thể như sau:

Tại khu vực hướng Tây núi Bà Rá, ngoài những cội bị cưa hạ mà hạt đã lập biên bản (trên mặt cắt gỗ có ghi ngày tháng); đã phát hiện thêm 2 cội gỗ da đá mới bị cưa hạ, có đường kính bình quân 30cm, khối lượng ước khoảng 0,882m3 gỗ đã bị lấy đi, chỉ còn lại cành, ngọn.

Tại khu vực hồ ông Nhớ (hướng Tây Nam núi Bà Rá, thuộc thôn Phước Lộc, xã Phước Tín), đoàn kiểm tra phát hiện 4 cội gỗ mới bị cưa hạ. Trong đó gỗ da đá 3 cội, đường kính bình quân 30cm, khối lượng ước khoảng 1,272m3 và 1 cội gỗ hồng đào (nhóm 6), đường kính 40cm, ước khối lượng 1,004m3, gỗ đã bị lấy đi hết còn lại hiện trường 2 phách gỗ hồng đào.

Kiểm tra khu vực từ đường quanh chân núi lên đồi Bằng Lăng, không phát hiện gỗ bị cưa hạ.

Như vậy, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên khu vực núi Bà Rá đã có 38 cây gỗ (trong đó có 26 cây gỗ da đá), có đường kính bình quân 30cm với tổng khối lượng ước tính là 16,729m3 bị khai thác và lấy đi khỏi hiện trường. Trong đó, số gỗ thu hồi được là 0,793m3 da đá.

Về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại núi Bà Rá hiện nay

Khu di tích lịch sử - văn hóa núi Bà Rá được giao cho Hạt Kiểm lâm Phước Long quản lý theo Quyết định số 1249/QĐ-UBND, ngày 2-6-2010 về việc giao Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long quản lý, bảo vệ Khu di tích lịch sử - văn hóa núi Bà Rá. Thực hiện quyết định trên, từ tháng 6-2010, Hạt Kiểm lâm Phước Long ngoài việc thực hiện nhiệm vụ kiểm lâm trên địa bàn thị xã Phước Long, còn chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực núi Bà Rá (chủ rừng).

Hàng năm, Hạt Kiểm lâm Phước Long đều tham mưu Ban chỉ đạo Bảo vệ rừng thị xã xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn, trình UBND tỉnh phê duyệt và tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Do tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt và kéo dài nên Hạt kiểm lâm chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, phòng chống cháy rừng mà chưa chú trọng nhiều đến công tác tuần tra, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép trên núi.

Khu vực núi Bà Rá được quy hoạch là rừng đặc dụng nhưng do đặc điểm có nhiều vườn rẫy chuối, hoa quả xen lẫn các cánh rừng, hàng ngày đều có người dân ra vào để thu hoạch hoa màu. Ngoài ra, núi Bà Rá còn có nhiều khu vực thờ cúng tâm linh và có sự hoạt động của du lịch cáp treo nên việc nắm bắt, kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng khai thác lâm sản trái phép thực tế là có nhiều khó khăn và phức tạp.

Kết luận

Với quân số là 8 cán bộ, công chức, Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện bảo vệ rừng khu vực núi Bà Rá và thực hiện các nhiệm vụ của kiểm lâm trên địa bàn quản lý. Qua đó, trong nhiều năm qua đã không để xảy ra cháy rừng lớn trên núi, các vụ cháy đều được phát hiện và huy động lực lượng chữa cháy kịp thời. Tuy nhiên, việc còn để xảy ra tình trạng lén lút khai thác gỗ trên núi Bà Rá, tuy tính chất và mức độ không nghiêm trọng như phản ánh của bài báo đăng trên Báo Bình Phước, là khuyết điểm của tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo lãnh đạo hạt kiểm điểm trách nhiệm để xem xét và có biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1726/UBND-KTN, ngày 30-5-2013 về việc điều tra, xử lý nghiêm việc chặt phá rừng tại Khu di tích lịch sử núi Bà Rá, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Phước Long rà soát tất cả hồ sơ vi phạm về khai thác gỗ tại khu vực này từ đầu năm 2013 đến nay, để tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra, xử lý và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng này trong thời gian tới.

Trên đây là báo cáo kết quả xác minh nội dung bài báo “Rừng trên núi Bà Rá đang bị chặt phá”, đăng trên Báo Bình Phước ra ngày 24-5-2013. Chi cục Kiểm lâm báo cáo các cấp lãnh đạo biết và chỉ đạo.

Chi cục trưởng
Nguyễn Phú Quới

  • Từ khóa
94814

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu