Thứ 7, 20/04/2024 11:11:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:48, 22/07/2018 GMT+7

Chết vì háo danh

Chủ nhật, 22/07/2018 | 14:48:00 167 lượt xem

BP - Đầu thế kỷ XX, có tên Lê Tấn đã thuê người thi hộ mà đỗ cử nhân. Tuy nhiên, chuyện gian lận thi cử của người này đã không qua được mắt Viện trưởng Viện Đô sát chính trực Hồ Lệ và học vị cử nhân của Lê Tấn bị tước bỏ.

Lê Tấn là con nhà giàu ở Nghệ An, khi hạch thi ở tỉnh không đậu nên không được đi thi hương. Y vào Huế, rồi chạy chọt được vào học chữ Pháp tại Trường Quốc học và nhờ Trường Quốc học làm hồ sơ đi thi hương khoa Quý Mão (1903) tại trường thi Thừa Thiên.

Đến ngày thi, y thuê một ông tú tài ở Nghệ An lấy tên Lê Tấn để thi thế và đậu cả 4 trường. Khoa ấy lấy đỗ 32 người, ông Võ Hành người Quảng Nam, đỗ đầu; ông Nguyễn Thúc Khẩn người Quảng Bình, đỗ thứ 32. Đến ngày xướng danh cử nhân, đích thân Lê Tấn đi lãnh áo mão. Các sĩ tử, nhất là những người quê ở Nghệ An ai cũng biết rõ Lê Tấn không thi mà đỗ, lại còn đỗ cao (thứ 11/32), thật là chuyện lạ chưa từng có.

Minh họa: S.H

Dư luận ấy đã đến tai ông Hồ Lệ người Quảng Nam, lúc đó đang làm Viện trưởng Viện Đô sát. Ông cho điều tra để biết dư luận thực hư như thế nào. Khi ấy, Lê Tấn đã về quê vinh quy bái tổ, được đón tiếp linh đình, tiệc tùng thả cửa. Nhân danh Viện trưởng Viện Đô sát, ông tâu lên vua, xin đòi Lê Tấn vào kinh để hội đồng sát hạch lại. Lê Tấn nghe tin, rất hoảng sợ. Một mặt y lẩn trốn theo ông tú đã đi thi hộ để tập bài, tập chữ cho giống với nét chữ của ông đã viết trong bài thi; một mặt thân nhân của y vào Huế chạy chọt lo lót. Và thân nhân của y đã đến được khắp các cửa, trừ có chỗ ông Thượng thư bộ Binh kiêm Viện trưởng Viện Đô sát là không lọt. Họ bèn nhờ đến Nguyễn Thúc Dinh đang dạy học cho các con ông Hồ Lệ tại bộ Binh, bẩm với ông Hồ Lệ cho họ vô tạ lễ, nếu được họ sẽ biếu riêng ông Dinh 1.000 đồng.

Nhưng ông Dinh nhất định khước từ vì ông không dám nói chuyện ấy với ông “Viện trưởng Viện Đô sát”. 6 tháng sau, tỉnh Nghệ An bắt được Lê Tấn đưa vào Huế. Khi đó ông Hồ Lệ tâu xin vua lập một hội đồng sát hạch có đủ thượng thư 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Hội đồng sát hạch ngồi tại công đường bộ Binh. Ngoài sân có cắm cờ và lính gác nghiêm trang, các viên ngự sử lại qua kiểm soát nghiêm ngặt. Ông thượng thư họp ở giữa bộ đường để ra đề. Còn Lê Tấn thì ngồi trên chiếc chiếu trải ở góc trong bộ đường, có đủ dụng cụ để làm bài.

Đề hạch là bài Kinh nghĩa “Văn lý mật sát”. Sau khi hội đồng chấm bài thì thấy nét chữ trong bài có hơi giống nét chữ trong quyển thi, mà văn lý trong bài thì quá kém. Ông Hồ Lệ bèn tâu lên nhà vua xin tước bỏ học vị cử nhân của Lê Tấn. Trong tờ phiến có câu: “Bài hạch so với bài thi tuy tự hoạch có hơi giống nhau, mà văn lý thì cách xa một trời một vực. Thời tên Lê Tấn này, đáng tước bỏ tên trong danh sách cử nhân”.

Khi vừa được phiến ông tâu lên, vua Thành Thái phê sau tờ phiến rằng: Tên Lê Tấn này đem vào mạt hạng cử nhân cũng được. Sở dĩ có lời châu phê như vậy vì lúc ấy, gia đình Lê Tấn đã tìm đủ cách lo lót với các bà thần thế ở nội cung để tâu vua tha thứ cho y. Tiếp được lời phê của vua, ông Hồ Lệ rất phân vân suy nghĩ rồi dâng sớ can vua. Trong sớ có những câu: Tên Lê Tấn quả làm được cử nhân thì thần không mặt mũi nào còn đứng giữa triều đình. Như thế công luận thiên hạ sẽ ra sao? Và phép thi tương lai sẽ sinh tệ hại ra sao? Và trước những lời lẽ chính trực ấy, vua Thành Thái phải nghe theo, mà tước bỏ tên Lê Tấn trong danh sách cử nhân năm ấy. Vì thế, danh sách cử nhân năm Quý Mão (1903) chỉ còn 31 người.

Giới học thức đất kinh kỳ lúc ấy rất hài lòng, bọn quan lại ăn hối lộ một phen sởn tóc gáy. Như vậy, việc gian lận trong thi cử đã có từ xa xưa. Người xưa cũng nhìn nhận tác hại và đấu tranh với nó rất nghiêm khắc. Gian lận trong thi cử thời xưa được coi là trọng tội, nghiêm trọng sẽ chịu đến tội chết.

Lời bàn:

Thời xưa quan niệm về giáo dục là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Sĩ tử thời phong kiến chỉ có con đường duy nhất để tiến thân là qua thi cử. Và trường thi chính là khởi đầu quá trình đào tạo quan chức. Chính vì thế, những người có “tì vết” về đường học hành thi cử thì đường tiến thân coi như khép lại. Ngày ấy, dù nặng hay nhẹ, các án trường thi đều được xem là dạng “án điểm”, triều đình phong kiến hết sức phòng ngừa gian lận trong thi cử và khi phát giác thì sẽ xử lý rất nghiêm. Bởi người xưa quan niệm rằng gian lận trong quá trình học tập sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được.

Từ nội dung của giai thoại này cho thấy, ông cha ta rất nghiêm minh trong thi cử, không để “lọt lưới” những kẻ bất tài con nhà giàu dùng tiền đút lót và thuê người thi hộ, hoặc con cháu những người có thần thế dùng thủ đoạn gian lận trong trường thi. Sự việc diễn ra từ nhiều thế kỷ trước nhưng xem ra đến nay vẫn còn tính thời sự, là tấm gương sáng cho cách ứng xử thời nay, nhất là vận dụng tinh thần nghiêm minh đó trong việc coi thi, chấm thi cũng như tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức sao cho chọn đúng những người thực tài.

N.D 

  • Từ khóa
110067

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu